Nên cân nhắc việc cho con trẻ tiếp xúc, sử dụng sớm các thiết bị số
Cập nhật ngày: 24/04/2018 02:01:26
ĐTO - Nhân loại đang sống trong kỷ nguyên số, thiết bị thông minh đã trở thành một phần trong đời sống của nhiều cá nhân. Với những tiện ích của các thiết bị này, nhiều bậc phụ huynh đã không ngần ngại cho con trẻ tiếp xúc, sử dụng các thiết bị số (smart phone, máy tính bảng,...) từ khi chưa đến trường, thậm chí nhiều trẻ chỉ mới chập chững biết đi, biết nói. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu y tế và các chuyên gia, việc cho trẻ sử dụng các thiết bị số sớm có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ.
Hình ảnh những đứa trẻ dán mắt vào máy tính bảng, smartphone, tay quẹt quẹt bấm bấm là thú vui thường thấy ở trẻ em ngày nay
Nhiều trẻ sử dụng các thiết bị số từ khi còn chập chững
Hình ảnh những đứa trẻ dán mắt vào máy tính bảng, smartphone, tay quẹt quẹt, bấm bấm là thú vui thường thấy ở trẻ em ngày nay.
Chị Nguyễn Thị Diễm My (xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) cho biết: “Hàng ngày, để dụ bé ăn chị phải dùng smartphone mở nhạc thiếu nhi hay những trò chơi trên đó thì bé mới chịu ăn”. Bé Mèo con chị My chỉ mới 9 tháng tuổi. Còn chị Lê Thị Ngọc Thảo (xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh) chia sẻ: “Lúc con còn nhỏ, tôi gắn hẳn 1 cái ipad lên xe đẩy cho con nghe nhạc thiếu nhi để ngủ. Giờ bé 3 tuổi đã đi học mẫu giáo. Những ngày cuối tuần, bé ở nhà có khách đến gội đầu, cắt tóc là tôi phải đưa cho bé chiếc điện thoại để bé chơi chứ không là bé quậy, khóc không làm gì được”. Đó không chỉ là cách “giữ trẻ” của riêng chị Thảo. Dùng thiết bị số để “giữ trẻ” đã trở nên phổ biến của rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay, khi họ không thể vui chơi, trò chuyện cùng con cái.
Theo kết quả một cuộc khảo sát lần đầu tiên ở Việt Nam về việc trẻ em sử dụng các thiết bị số của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TP.HCM, việc trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử số đã chỉ ra những con số đáng lo ngại. Nhiều trẻ đã được cha mẹ cho sử dụng thiết bị số từ trước 3 tuổi: có 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, có đến 59% trẻ từ 3-5 tuổi sử dụng thiết bị thông minh, trẻ 6 - 9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%. Đặc biệt, tỉ lệ trẻ sử dụng thiết bị số từ 3-4 giờ/ngày từ 1% ở các ngày thường tăng lên từ 7% (trẻ từ 3 đến dưới 6 tuổi) đến 9% (từ 6 - 12 tuổi) vào các ngày nghỉ.
Ngoài chức năng “giữ trẻ”, các thiết bị số còn được các bậc phụ huynh làm công cụ để con học tập, cập nhật kiến thức mới, giải trí như chơi các trò chơi thông thường, nghe nhạc, xem phim,... Đánh giá khi cho trẻ sử dụng thiết bị số, các phụ huynh cho rằng sử dụng thiết bị số giúp trẻ được tiếp cận với những thông tin, kiến thức mới mẻ, giúp trẻ phát triển kỹ năng ngôn ngữ, là công cụ học tập hữu ích... Tuy nhiên, theo các nghiên cứu và chuyên gia, tỷ lệ mặt tác hại khi cho trẻ sử dụng sớm các thiết bị số chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với mặt tích cực.
Những ảnh hưởng khó lường
Phần lớn phụ huynh mong đợi về chức năng hỗ trợ học tập của thiết bị điện tử số, họ tải những nội dung, chương trình học tập, giáo dục cho trẻ và cả chức năng “giữ trẻ”. Tuy nhiên, nếu phụ huynh không kiểm soát thời gian, nội dung truy cập, nó sẽ phản tác dụng. Điển hình, thời gian gần đây nhiều trường hợp nam sinh, nữ sinh phải nhập viện vì nghiện facebook như: bé trai 14 tuổi được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bị co giật khi bị ba mẹ tịch thu điện thoại không cho chơi facebook; hay nữ sinh ở Hà Nội nghiện facebook, gia đình phải đánh thuốc mê đưa vào viện tâm thần để điều trị. Đây là một trong những hậu quả đáng báo động từ việc cho trẻ tiếp cận các thiết bị công nghệ số sớm mà thiếu sự quản lý của gia đình.
Thạc sĩ Trần Văn Thọ - giảng viên bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Đồng Tháp cho biết, theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, nếu trẻ tiếp xúc sớm với các đồ công nghệ, một mặt sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, ảnh hưởng về vận động như chậm đi, kém linh hoạt, béo phì. Mặt khác gia tăng dấu hiệu trầm cảm, suy giảm khả năng tự điều chỉnh, khả năng tập trung và trí nhớ; ảnh hưởng đến sức khỏe, các rối loạn về mắt như cận thị, loạn thị...
Các ảnh hưởng về tâm lý và nhận thức như rối loạn về ngôn ngữ, chậm nói, nói lắp, đây cũng là một trong những triệu chứng của hội chứng tự kỷ. Trẻ trở nên kém tập trung, kém chú ý, lười tư duy, dẫn tới thất bại trong học tập hay những công việc đòi hỏi sự nỗ lực trí tuệ. Nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với các trò chơi độc hại mang tính bạo lực, trẻ sẽ có thể nhiễm các hành vi bạo lực. Từ môi trường ảo, trẻ có thể bị rối nhiễu về cảm xúc, trầm cảm, nếu không được đáp ứng đúng nhu cầu, trẻ trở nên hung hăng, dùng bạo lực để chống đối lại người thân và những người khác trong xã hội.
Về mặt tình cảm, khi các bậc cha mẹ vùi đầu vào công việc, hay cũng mải mê với các thiết bị điện tử tại nhà, họ vô tình đẩy chính mình ra xa con cái hơn. Khi được tách ra, thiếu vắng sự quản lí của cha mẹ, trẻ em sẽ gắn với các thiết bị nhiều hơn, và điều này dẫn đến nghiện ngập là tiền đề dẫn tới sự hình thành lối sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa ở các em. Lâu dần, trẻ em sẽ không còn chú ý đến những người chung quanh hay những sự việc diễn ra trong thế giới thực nữa mà chỉ “co” mình trong thế giới “ảo” với những đồ công nghệ.
Không những vậy, việc lạm dụng các sản phẩm công nghệ có thể gây nên những ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng ở trẻ, sự trưởng thành ở trẻ sẽ bị lệch lạc, trẻ bị đẩy vào thế cô lập với xã hội xung quanh, gây ra những tâm lý nặng nề. Nó cũng khiến trẻ dễ xao nhãng việc học hành, có khuynh hướng ít giao tiếp với cha mẹ, người thân hơn, có khuynh hướng ít vận động hơn, giảm khả năng tư duy và tưởng tượng.
Nên cân nhắc việc cho con trẻ sử dụng sớm các thiết bị số
Thạc sĩ Trần Văn Thọ khuyên: Khi cho trẻ sử dụng các thiết bị số, các bậc phụ huynh phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ về nội dung cũng như thời gian khi trẻ sử dụng các thiết bị điện tử; phải thường xuyên hướng dẫn, định hướng nội dung cho trẻ khi sử dụng các thiết bị điện tử; kịp thời thay thế trò chơi không phù hợp bằng ứng dụng mang tính giáo dục, có ích; tránh cho trẻ truy cập vào ứng dụng không phù hợp, trò chơi bạo lực hay website không lành mạnh,... Đặc biệt, nếu trẻ có dấu hiệu nghiện, các bậc phụ huynh cần dành thời gian để nói chuyện, giúp trẻ hiểu được những tác hại khi tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, đồng thời hạn chế tối đa, thậm chí cắt hẳn “nguồn” gây nghiện, chú ý liều lượng thời gian. Cụ thể:
Với trẻ dưới 2 tuổi, chưa nên cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử; trẻ 3-6 tuổi chỉ 20-30 phút/ngày và với trẻ lớn hơn, dưới 2 tiếng/ngày. Hơn nữa, chỉ nên cho trẻ sử dụng 2-3 lần/tuần, nếu ngày nào cũng sử dụng, trẻ rất dễ bị nghiện. Trẻ trên 6 tuổi (học sinh Tiểu học) có thể cho sử dụng thiết bị thông minh khoảng 2 giờ vào 2 ngày cuối tuần. Học sinh THCS cần quản lý chặt với thời gian và nội dung cụ thể. Học sinh THPT học trên máy vi tính với thời gian quy định trên nội dung bài học ở trường. Đối với trẻ 7 tuổi, thời gian xem ti vi hoặc sử dụng máy tính tối đa là 1 giờ 30 phút, còn thanh thiếu niên dưới 18 tuổi thì chỉ nên dùng những thiết bị này cao nhất 2 giờ/ngày.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ nên dành thời gian đưa trẻ ra ngoài, dạy trẻ quan sát và giúp trẻ tiếp xúc với thế giới xung quanh, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng.
Theo các chuyên gia tư vấn, nên khuyến khích trẻ em dành nhiều thời gian cho các hoạt động thể chất ngoài trời để bảo vệ và tăng cường sức khỏe, trẻ nhỏ cần được tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, các chương trình ngoại khóa như: tham quan, du lịch hay các hoạt động nghệ thuật như học đàn, học vẽ... Những hoạt động bổ ích này sẽ giúp trẻ hoạt động một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp trẻ nâng cao thể lực, giải trí lành mạnh. Vì vậy, trẻ càng nhỏ càng ít sử dụng thiết bị thông minh càng tốt.
BÍCH LIỄU