Người lao động cần bình tĩnh, suy xét trước khi nhận BHXH một lần

Cập nhật ngày: 15/03/2021 10:33:34

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của Việt Nam hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động (NLĐ); hỗ trợ khi NLĐ mất việc làm; đảm bảo cuộc sống ổn định sau khi hết tuổi lao động... Do vậy, theo các chuyên gia làm luật, chính sách này đã được thiết kế khá toàn diện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của NLĐ.


Người lao động đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của Bảo hiểm Xã hội tỉnh nhờ tư vấn chế độ bảo hiểm xã hội

Điều 60 Luật BHXH năm 2014 đã quy định về điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần khá chặt chẽ, với mục đích không khuyến khích NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần, nhằm để cộng dồn thời gian đóng BHXH, giúp NLĐ sau này có đủ điều kiện nhận lương hưu hằng tháng.

Đặc biệt, quy định này cũng nhằm tăng số NLĐ được hưởng lương hưu khi về già. Đây cũng là quan điểm của Quốc hội, Chính phủ mong muốn thực hiện được mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2015 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2011-2020; Kết luận số 63-KL/TW tại hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 và Điều 34 Hiến pháp năm 2013 là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

Người lao động nên xem sổ BHXH là “của để dành”

Khi thiết kế Điều 60 Luật BHXH, Chính phủ đã quy định các trường hợp được hưởng BHXH một lần theo hướng thu hẹp, chỉ ưu tiên giải quyết đối với những trường hợp NLĐ bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao, HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh do Bộ Y tế quy định). Điều này để tăng số NLĐ được hưởng chế độ hưu trí, nhằm bảo đảm an sinh lâu dài cho NLĐ.

BHXH là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Khi nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ bị mất khoảng thời gian đã đóng BHXH tính đến thời điểm nhận.

Do vậy, kể cả khi họ có việc làm, đóng BHXH trở lại, họ phải bắt đầu tích luỹ BHXH từ con số 0 và như vậy rất nhiều khả năng không thể tích lũy đủ số năm đóng cần thiết khi đến tuổi nghỉ hưu (thông thường thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu là 25 năm tích lũy thời gian đóng BHXH, trường hợp làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì thời gian tích lũy tối thiểu có thể chỉ là 15- 20 năm). Đặc biệt, NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động. Mặt khác, NLĐ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội...

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhận hoặc không nhận BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc, không đơn giản chỉ là đáp ứng quyền của cá nhân NLĐ, mà đây là vấn đề mang tính hệ thống của chính sách xã hội. Nếu những NLĐ tham gia BHXH ở khu vực tư và dần dần là cả khu vực công đều đòi hỏi quyền được nhận BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, sẽ dẫn tới sự phá vỡ hệ thống BHXH. Hệ quả tiêu cực của chính sách này là NLĐ ở khu vực tư sẽ nhận BHXH một lần ngày càng nhiều, không thể tích lũy hưởng lương hưu; như vậy chỉ có công chức, viên chức hoặc một bộ phận lao động có điều kiện, có thu nhập cao mới đợi đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu. Quan trọng hơn, với cách thiết kế chính sách như vậy, sẽ không bảo đảm về an sinh xã hội cho hàng triệu NLĐ khi về già không có lương hưu.

Ngoài ra, do đại dịch Covid-19 xảy ra, Nhà nước đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho hơn 20 triệu người, trong đó có NLĐ mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập để giải quyết khó khăn trước mắt. Vì vậy, NLĐ cần tỉnh táo, suy xét để cùng chia sẻ với Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội để vượt qua thử thách này, giữ và tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội khi tuổi già.

Cần phải nói thêm là Điều 61 Luật BHXH 2014 cho phép NLĐ đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH có thể đóng BHXH nhiều lần, nhiều nơi gián đoạn, nhưng vẫn được cộng dồn khi đủ điều kiện nhận BHXH hằng tháng. Trong thời gian bảo lưu, nếu NLĐ muốn tham gia BHXH tự nguyện cũng được Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục đóng BHXH. Ngoài ra, khi chưa nhận chế độ BHXH một lần, trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may NLĐ từ trần, thì thân nhân của họ được tiền trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở; đồng thời còn được hưởng mức trợ cấp tuất 1 lần hoặc tuất hằng tháng, bằng hoặc lớn hơn mức BHXH một lần.

V.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn