Người nông dân tâm huyết tự nguyện sửa đường giao thông
Cập nhật ngày: 04/02/2020 10:22:49
ĐTO - Vượt đoạn đường dài gần 90km từ TP.Cao Lãnh, chúng tôi đến ấp 2, xã An Hòa, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để tìm gặp anh Lâm Quốc Bình. Ít ai biết người đàn ông sống với nghề chăn nuôi, trồng trọt, thường xuyên đi làm xa này lại là người tâm huyết với việc sửa đường giao thông. Bản thân anh đã đóng góp và vận động gần 100 triệu đồng để mua nhựa đường sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trong ấp, xã dài hàng chục km.
Anh Lâm Quốc Bình dọn cỏ ven đường đảm bảo thông thoáng cho người và phương tiện khi lưu thông
Từ sửa những con đường đê ruộng
Anh Lâm Quốc Bình, sinh năm 1976 (ngụ tại ấp 2, xã An Hòa, huyện Tam Nông) đã gắn với việc tự nguyện sửa đường hơn 10 năm. Thoạt đầu chỉ là những con đường đất dọc theo bờ ruộng nơi anh nuôi tôm và cá tra ở xã Phú Thành B, huyện Tam Nông (cách nơi ở của anh hơn 10km). Con đường đất đê ruộng khi nắng thì bụi mù mịt, khi mưa thì sình lầy lội, đi không được. Nơi anh Bình làm ruộng có nhiều người dân từ nơi khác cùng chung nuôi tôm và làm lúa như anh. Nhìn thấy cảnh nhiều người đi lại vất vả, sau mỗi vụ nuôi tôm, vụ cá, tích lũy được ít tiền, anh liền có ý nghĩ sẽ mua đá đổ đường. Nghĩ là làm, vậy là anh dùng tiền để dành và rủ bạn bè, anh em người trong xã, người ngoài xã cùng chung sức mua đá mi rải làm đường. Anh Bình kể: “Thật bất ngờ là khi nghe tôi nói, tưởng mọi người không đồng ý, ai ngờ mọi người nói: “Được đó làm đi”. Vậy là người góp 200.000 đồng – 500.000 đồng, cũng gần 10 người đóng góp được 7 triệu đồng. Vậy là tôi cùng mọi người làm được con đường rải đá mi bằng phẳng, không còn sình lầy. Giờ đi ruộng hay vào thăm ao tôm, ao cá, chỉ cần chạy xe là tới nơi. Không phải lo trời sớm tối, hay lo nắng bụi, mưa dầm...”. Đoạn đường làm xong, anh cũng không đi thường mà di chuyển lên Hồng Ngự để tìm ao nuôi thêm cá tra rồi sang tỉnh Long An thuê mướn ao mở rộng diện tích nuôi cá, nuôi tôm. Ngoài con đường đất ruộng, anh còn dặm vá thêm nhiều con đường đất khác trong xã Phú Thành A, Phú Thành B. Lý do anh chọn xã Phú Thành B vì một số người dân ở đây còn nghèo, phần lớn từ nơi khác đến, đường sá đi lại khó khăn. Lúc đầu, anh chỉ làm đường vài mét, sau thì dài thêm hàng km. Anh Lê Văn Quang ngụ ấp 1, xã An Hòa, huyện Tam Nông hiện đang nuôi tôm ở ấp Phú Bình, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông cho biết: “Mỗi ngày, tôi đi qua lại nhiều lần tuyến đường anh Bình quyên góp và cùng mọi người làm. Tôi rất cảm kích nghĩa cử vì mọi người của anh Bình. Làm ăn dù có khi lời, khi lỗ nhưng lúc nào anh Bình thấy đường hư là tự anh làm, hoặc rủ thêm nhiều người vô dặm vá thêm để cho bà con đi lại thuận tiện...”.
Anh Lâm Quốc Bình dặm vá lổ hổng mặt đường liên xã An Hòa – Phú Thành B giúp người dân đi lại thuận tiện
Đến tâm nguyện sửa đường giúp dân
Cuộc sống anh Bình cũng không giàu có, mỗi ngày, anh bận rộn với chuyện thuê ao nuôi cá, nuôi tôm. Nói về việc làm đường giúp dân, anh Bình chia sẻ: “Bản thân tôi nghĩ làm đường phụ giúp cho xã hội, chuyện gì mình làm được thì làm chứ trông chờ Nhà nước hoài sao được. Tôi nghĩ vậy mà đi đâu thấy đường hư là suy nghĩ tìm cách để dặm vá lại, chứ đi lại thấy đường hư, người ta chạy bị té, trong lòng tôi rất ray rứt...”. Chính vì những ray rứt trong lòng khi nhìn những con đường còn gập ghềnh ở nông thôn mà anh quyết định “chơi lớn” là tự nguyện đóng góp 40 triệu đồng tiền tích góp dành dụm từ nuôi tôm, nuôi cá, cộng với vận động anh em bạn bè được thêm 30 triệu đồng, anh mua nhựa nguội trực tiếp cùng UBND xã Phú Thành B và UBND xã An Hòa sửa chữa, dặm vá lổ hổng mặt đường trên tuyến đường xã An Hòa – Hòa Bình đoạn qua địa bàn 2 xã An Hòa, Phú Thành B, huyện Tam Nông với chiều dài hơn 14km. Bà Nguyễn Thị Sáu ngụ ấp 2, xã An Hòa cho biết: “Tôi trồng bắp bán trên tuyến đường này, đường gồ ghề lắm, có chỗ có ổ gà, hai bên đường cỏ mọc nhiều. Vậy là chú Bình cùng với mấy người bạn đem xe tới ủi dọn cỏ hai bên cho thông thoáng, đem nhựa đường dặm vá lại cho bà con đi lại. Dân ở hai bên tuyến đường xã An Hòa – Phú Thành B ai cũng biết chú Bình cùng với mấy chú làm sửa đường từ thiện...”.
Cùng đi với anh Bình tham quan tuyến đường liên xã dài hơn 14km những ngày cận Tết mà anh dặm vá bằng nhựa nguội. Một số chỗ xe lớn lưu thông tạo nên những “ổ gà”, anh Bình chỉ tay và nói: “Một vài bữa nữa, ra Tết rảnh rỗi là tôi rủ anh em ra làm lại bằng phẳng cho bà con đi. Nhiều anh em đang làm mướn cho tôi, rảnh là tôi kéo anh, em đi làm đường từ thiện. Ai cũng nhiệt tình ủng hộ. Điều tôi vui nhất là khi thấy mình làm đường, người dân cũng chung tay vô phụ giúp, nhất là mấy anh em ở UBND xã An Hòa, UBND xã Phú Thành B. Một số người dân ở ven đường cũng làm phụ, nên việc tưởng 3 - 4 ngày mới xong nhưng làm xong trong 1 ngày. Cũng có khi chúng tôi làm, những người ngồi gần có khi nhậu hay đứng ngó, thì cũng không sao, mình làm từ thiện, tự nguyện thôi, tôi nghĩ từ từ người ta thấy việc tốt thì sẽ vô cùng làm...”.
Máu từ thiện “ngấm” sâu vào anh Bình. Khi ba anh Bình mất, thường ở xứ An Hòa, người ta không nhận phúng điếu, nhưng gia đình anh thì nhận tiền phúng điếu. Số tiền sau đám, anh cùng với gia đình mua chiếc xe từ thiện tặng cho Hội Chữ thập đỏ; mua xe kéo gỗ, cẩu cây tặng cho Tổ từ thiện làm nhà tại địa phương, phần còn lại anh làm đường, giúp người nghèo khổ với một suy nghĩ rất đơn giản: điều gì mình làm được giúp cho ngành giao thông, cho Nhà nước, cho bà con thì làm, ai cũng tham gia gìn giữ tu bổ đường sá sạch đẹp, bằng phẳng thì Nhà nước đỡ lo, đỡ tốn tiền, nước nhà mới có thể giàu được, bản thân mỗi khi làm được những việc này trong lòng rất vui.
Ghi nhận những việc làm tự nguyện của anh Lâm Quốc Bình, Ban An toàn giao thông huyện Tam Nông, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Tháp đã biểu dương, khen thưởng anh với thành tích đóng góp vào công tác an toàn giao thông.
C.Phương