Nhà dưỡng lão - loại hình nhà ở cần thiết cho thời kỳ già hóa dân số
Cập nhật ngày: 12/04/2018 06:06:20
ĐTO - Mấy ngày qua, tỉnh tổ chức nhiều hội thảo bàn về vấn đề tìm mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT) trong “Nhà dưỡng lão” (NDL) tốt và phù hợp với tình hình địa phương. Đây là bước chuẩn bị cho thời kỳ già hóa dân số của địa phương trong thời gian tới.
Nhà dưỡng lão - xu hướng tất yếu của thời đại (internet)
Theo các đại biểu, chuyên gia Lão khoa của Pháp và Nhật Bản tại các hội thảo, Đồng Tháp nói riêng, Việt Nam nói chung có truyền thống con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, trên quan điểm tình cảm, sự gắn bó, lương tâm, trách nhiệm, dư luận xã hội,... Thêm vào đó là chi phí khám chữa bệnh cao, kèm theo việc phần lớn NCT vẫn chưa ý thức được các nguy cơ bệnh tật nên việc chăm sóc sức khỏe cho NCT vẫn chủ yếu theo mô hình tự chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, NCT ở Đồng Tháp hiện chiếm trên 10% tổng dân số. Đồng Tháp đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, tỷ lệ NCT sống cô đơn cũng đang có xu hướng gia tăng. Có thể thấy trong giai đoạn sắp tới, mô hình tự chăm sóc sức khỏe tại gia đối với NCT sẽ không còn phù hợp và sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý của NCT, đồng thời tạo ra áp lực cho hệ thống kinh tế - xã hội. Trước thực trạng trên, nhu cầu đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT là tất yếu, trong đó loại hình nhà NDL - một loại hình nhà ở đặc biệt cần được quan tâm đúng mức.
Vấn đề lựa chọn mô hình NDL như thế nào cho phù hợp với nếp văn hóa, truyền thống của người Việt Nam và nhất là với tình hình thực tế của Đồng Tháp là vấn đề được nhiều đại biểu bàn luận. Qua tham khảo các mô hình NDL của Pháp và Nhật Bản như: dịch vụ điều dưỡng tại nhà, chăm sóc bệnh nhân ngoại trú, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tắm gội tại nhà; dịch vụ chăm sóc điều dưỡng đa chức năng tại nhà theo quy mô nhỏ; dịch vụ hỗ trợ toàn diện với người khuyết tật; dịch vụ với chi phí tự túc ngoài bảo hiểm; kinh doanh nhà ở cùng dịch vụ dành cho NCT; dưỡng lão bán trú ban ngày;... đa số các đại biểu đồng tình với mô hình NDL bán trú ban ngày. Với mô hình này, ban ngày NCT sẽ được gia đình đưa đến NDL khi các thành viên trong gia đình đi làm hết và sẽ đón họ về khi tan việc. Theo các đại biểu, mô hình này vừa đảm bảo chăm sóc chu đáo cho NCT khi các thành viên trong gia đình đi làm (hạn chế rủi ro về sức khỏe, an toàn cho NCT khi họ phải ở nhà một mình) vừa tạo cho NCT có được cảm giác ấm cúng, yêu thương từ gia đình (khi họ ở cùng gia đình vào ban đêm), đặc biệt ở đó họ sẽ có những người bạn tri kỉ để trò chuyện, như vậy NCT sẽ không có cảm giác cô đơn, là gánh nặng hay dư thừa trong xã hội.
Theo hội thảo, với mô hình này, NCT còn được sống trong không khí yên tĩnh, thanh bình, thân ái, đoàn kết và tự do. Họ không bị ảnh hưởng bởi không khí ồn ào, tất bật, khẩn trương, căng thẳng,... của lớp người trẻ tuổi đang phải đương đầu trong cuộc sống thường nhật; con cháu trong gia đình sẽ tập trung làm việc, học tập, không phải lo lắng việc NCT phải ở nhà một mình và làm các công việc mà họ yêu thích trong cuộc sống tại căn nhà của họ mà không ngại rằng mình làm phiền NCT. Còn đối với NCT, họ có thể sống theo lối sống của họ theo cách riêng tại NDL. Điều này giúp tránh được những mâu thuẫn nảy sinh do hai thế hệ khác nhau chung sống trong cùng một mái nhà. Và, điều quan trọng nữa là NCT sẽ thực sự được nghỉ ngơi một cách thoải mái cho đoạn cuối cuộc đời của mình mà không bị phiền toái bởi những công việc như chợ búa, cơm nước, trông các cháu nhỏ, dọn dẹp nhà cửa,...
Có thể thấy, trong tương lai, NDL sẽ không còn xa lạ, nó cũng trở thành một xu hướng của thời đại. Với chúng ta, ai cũng có bố mẹ, rồi bố mẹ sẽ già, sẽ yếu và trách nhiệm làm con là phải chăm sóc, phụng dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta không nên cứng nhắc theo quan niệm ba mẹ, ông bà phải ở cùng con cháu, mà hãy lựa chọn giải pháp tốt nhất để nhu cầu của NCT được đáp ứng.
BÍCH LIỄU