Nhân dân đóng góp trên 684 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 12/07/2013 05:00:03

Qua 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhân dân trong tỉnh Đồng Tháp đã đóng góp trên 684 tỷ đồng bằng tiền, hiến đất, ngày công lao động, đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cầu đường, xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Kết quả thực hiện thắp sáng đường quê trên 200km; sửa chữa, nâng cấp kết hợp phát quang trên 1.000km đường nông thôn; sửa chữa, xây dựng mới trên 200 cây cầu; hàng ngàn căn nhà tạm, dột nát được sửa chữa, xây mới... Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hàng chục ngàn ngày công lao động, hiến tặng hàng trăm ngàn m2 đất.

Từ khi phối hợp tổ chức triển khai vận động, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức đến các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích của phong trào nên cùng nhau đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng các công trình công cộng và cầu, đường giao thông nông thôn. Điển hình như huyện Châu Thành vận động nhân dân hiến trên 60.280m2 đất và từ nhiều nguồn lực ủng hộ trên 16,5 tỷ đồng, hơn 7.740 ngày công lao động để xây dựng 76 cây cầu bê tông và 110,5km đường giao thông nông thôn...

Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã vận động nhân dân hiến trên 135.000m2 đất, tiền mặt trên 90 tỷ đồng và hàng trăm ngàn ngày công lao động. Có những cá nhân không trực tiếp hiến đất, nhưng rất tích cực trong vận động phong trào.

Các tổ chức từ thiện xã hội cũng tích cực tham gia vào công tác vận động, huy động lực lượng để xây dựng cầu đường như: ông Mai Văn Đâu (xã Định Yên, huyện Lấp Vò) tham gia công tác từ thiện xã hội trên 10 năm và đã vận động các nguồn lực xây dựng trên 50 cây cầu ván, 79 cầu bê tông và gần 50km đường giao thông nông thôn trong và ngoài huyện; bà Trần Thị Nhành và bà Nguyễn Thị Hồng Liên là cán bộ hưu trí thuộc huyện Tháp Mười đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng mới 20 cây cầu bêtông và sửa chữa 30km đường, trị giá trên 3 tỷ đồng, cụ Phan Văn Giảng (xã Long Hậu, huyện Lai Vung) ngoài 80 tuổi nhưng vẫn lặn lội vận động được trên 100 triệu đồng để sửa chữa cầu, đường; cụ bà Huỳnh Thị Chuyên (xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) trên 70 tuổi, hàng ngày bán từng bó lá chuối, mớ rau để dành dụm góp phần xây dựng cầu đường nông thôn... và còn rất nhiều cá nhân hiến đất từ dưới 100m2 và có mức đóng góp từ 10 đến 100 triệu đồng để xã hội hóa việc xây dựng công trình công cộng, cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Tỉnh thường xuyên tổ chức sơ kết, phát hiện các mô hình điển hình tiên tiến về xã hội hóa xây dựng công trình công cộng và hiến đất làm cầu, đường giao thông nông thôn, xóa hộ nghèo để biểu dương khen thưởng nhân dịp “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” hàng năm ở khu dân cư, đồng thời đề nghị về trên khen thưởng theo qui định.

Kết quả, toàn tỉnh có 1 xã đạt 17 tiêu chí, 2 xã đạt 14 tiêu chí, 61 xã đạt từ 9 - 13 tiêu chí, 54 xã đạt từ 5 - 8 tiêu chí và còn lại 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Nguyễn Văn Trí

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn