Nhiều đổi thay tích cực

Cập nhật ngày: 23/05/2014 05:26:36

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có nhiều thay đổi tích cực, đáng khích lệ. Sự thay đổi đầu tiên, dễ nhận thấy là hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi. Nhiều tuyến đường nông thôn có đèn chiếu sáng, cột cờ, cổng ngõ, nhiều nhà kiên cố thay thế những căn nhà tạm, dột nát,... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất.


Đường nông thôn mới ở xã Tân Thạnh, Thanh Bình

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ nông thôn phát triển rất khả quan, tăng dần qua các năm. Tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn 119 xã có 37 cơ sở chế biến, sản xuất công nghiệp, 17.240 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 58.367 cơ sở kinh doanh thương mai - dịch vụ, giải quyết việc làm cho trên 155 ngàn lao động. Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân, hàng chục mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi được thực hiện; hỗ trợ phát triển sản xuất 122 mô hình ở các hợp tác xã, tổ hợp tác với khoảng 700 máy móc các loại từ nguồn vốn chương trình NTM. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 400 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hơn 12.000 lao động tham gia học nghề.

Tổng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn các xã trên 4.190 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác và đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ ưu tiên xây dựng công trình cơ sở hạ tầng cho 30 xã điểm trong giai đoạn 2011-2015 là 90 tỷ đồng/năm (3 tỷ đồng/xã/năm). Đầu tư nâng cấp, bê tông hóa 167 km đường trục xã, liên xã; sửa chữa, đan hóa 197km đường trục ấp, liên ấp; rải đá chống lầy lội 398km đường ngõ, xóm; nâng cấp và xây mới 276 cầu; thực hiện cứng hóa đường trục chính nội đồng khoảng 103km. Tổng kinh phí trên 1.816 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình trên 265 tỷ đồng, lồng ghép trên 969 tỷ đồng, tín dụng trên 63 tỷ đồng, doanh nghiệp trên 3,3 tỷ đồng, vốn dân trên 492 tỷ đồng (kể cả phần hiến đất, công lao động,...) và nguồn khác trên 21 tỷ đồng. Nâng cấp, xây mới 1.307 công trình hạ tầng về thủy lợi góp phần hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân với tổng kinh phí trên 956 tỷ đồng từ nhiều nguồn, trong đó nhân dân đóng góp trên 182 tỷ đồng.

Qua 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM (2011-2013), toàn tỉnh đã huy động ước đạt trên 49.050 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình trên 351 tỷ đồng (ngân sách), vốn lồng ghép các chương trình, dự án 5.158 tỷ đồng, tín dụng 42.000 tỷ đồng, huy động doanh nghiệp 404 tỷ đồng, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư trên 1.216 tỷ đồng và huy động từ nguồn khác trên 176 tỷ đồng. Ước quý 1/2014, tổng vốn huy động để thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh 301 tỷ đồng. Nhìn chung với quyết tâm của cả hệ thống chính trị - xã hội, sự nỗ lực của chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM nên việc huy động nguồn lực đạt kết quả đáng khích lệ. Hiện toàn tỉnh có 14 xã đạt 13-16 tiêu chí, 65 xã đạt 10-12 tiêu chí, 40 xã đạt 5-9 tiêu chí. Riêng 30 xã điểm, có 13 xã đạt 13-16 tiêu chí, 17 xã đạt 10-12 tiêu chí, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Từ thực tiễn, một số bài học kinh nghiệm được rút ra để xây dựng thành công NTM. Đó là, phải thống nhất về cách nhìn nhận vấn đề xây dựng NTM: không chỉ là chủ trương của Nhà nước mà còn là ước mơ của cộng đồng nhân dân nhằm xóa bỏ tư tưởng bao cấp, xác định đúng con đường, nguồn lực của mỗi địa phương để phấn đấu vươn lên. Phải có sự thống nhất từ việc xác định mục tiêu, quan điểm và chỉ đạo trong suốt quá trình thực hiện; cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và có quyết tâm cao. Đặc biệt, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng NTM. Thực tế cho thấy nơi nào làm tốt công tác này thì nơi đó thực hiện chương trình dễ dàng và hiệu quả cao. Cần có những cách làm mới, sáng tạo; gắn chặt nhiệm vụ xây dựng NTM với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”; kết hợp hài hòa giữa đầu tư xây dựng kinh tế với văn hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư. Giải quyết những vấn đề mang tính vĩ mô nhằm tạo ra những động lực, động cơ phát triển kinh tế trên một cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng chính quyền vững mạnh và xã hội văn minh, hiện đại. Sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phải gắn liền với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội, môi trường của vùng, nhằm đảm bảo tốc độ phát triển ngang bằng với tốc độ phát triển chung của cả nước. Xây dựng hệ thống cơ cấu, cơ chế, chính sách riêng cho chương trình xây dựng NTM.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn