Nhiều giải pháp trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cập nhật ngày: 11/03/2024 11:03:06

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240311110505dt2-6.mp3

 

ĐTO - Vừa qua, tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Cao Lãnh, Cụm thi đua số 1 - BHXH tỉnh (các huyện: Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò và TP Sa Đéc) tổ chức hội nghị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia năm 2024.


Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị​

Phối hợp tổ chức hội nghị phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT)

Đối với việc tổ chức tuyên truyền vận động người tham gia BHXH tự nguyện năm 2023, lãnh đạo BHXH huyện Thanh Bình, chia sẻ, ngoài tham mưu Huyện ủy, UBND huyện các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời, BHXH phối hợp UBND xã, thị trấn ban hành văn bản thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; các trường học và Trưởng Ban Nhân dân các ấp, khóm để tuyên truyền, vận động người thân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; tháng cuối quý phối hợp với Tổ chức dịch vụ thu Bưu điện xây dựng kế hoạch hội nghị khách hàng của quý sau. Để công tác ra quân trực tiếp đến nhà người dân tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT đạt hiệu quả, hàng tháng trước 2 ngày ra quân, BHXH huyện phối hợp với Tổ chức dịch vụ thu Bưu điện và UBND xã, thị trấn tổ chức họp bàn thống nhất nội dung, phấn đấu mỗi cuộc ra quân có khoảng 40 người tham gia.

Phát triển đối tượng BHXH bắt buộc

Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, giảm nợ chậm đóng, BHXH huyện Cao Lãnh chủ động phối hợp các ban, ngành tham mưu cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều nội dung, trong đó, Huyện ủy ban hành công văn về tăng cường công tác phát triển người tham gia và giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). BHXH huyện cũng ký kết quy chế, kế hoạch, chương trình phối hợp liên ngành tổ chức tuyên truyền, phát động người tham gia; thanh tra, kiểm tra; đôn đốc thu, giảm thiểu tiền chậm đóng nhằm bảo vệ quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động có thể tiếp cận, thụ hưởng chính sách BHXH theo quy định của pháp luật. Để giảm nợ chậm đóng, BHXH huyện Cao Lãnh đề ra giải pháp: rà soát các đơn vị và chia theo nhóm: nhóm khó đòi, phá sản, giải thể; nhóm mới phát sinh nợ; nhóm nợ gối đầu. Tùy theo đặc điểm từng nhóm áp dụng các biện pháp như: thành lập tổ thu nợ từ 3 tháng trở lên đối với các đơn vị sử dụng lao động; đề nghị thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với đơn vị sử dụng lao động nợ từ 3 tháng trở lên, đơn vị chưa đóng khi đã được tổ thu nợ đến thu nhưng đơn vị không chấp hành...  

Đẩy mạnh việc chi trả trợ cấp BHXH một lần không dùng tiền mặt

BHXH huyện Lấp Vò, tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, UBND xã, thị trấn phối hợp vận động, khuyến khích người nhận trợ cấp BHXH một lần qua thẻ ATM; phối hợp tích cực với các ngân hàng trên địa bàn mở thẻ ATM ngay trong ngày cho người hưởng khi có nhu cầu nhận trợ cấp BHXH qua thẻ ATM; phát thư ngỏ, hướng dẫn người hưởng những lợi ích nhận trợ cấp BHXH một lần qua thẻ ATM tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, các hội nghị, qua nhóm... Nhờ tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên địa bàn huyện nên từ chỉ 2,3% số người nhận trợ cấp BHXH một lần qua ATM, đã tăng lên 18,7% năm 2019, 98,7% năm 2020 và đạt 100% vào năm 2022 và 2023.  

Đồng bộ dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư

BHXH TP Sa Đéc đã thực hiện hiệu quả giải pháp nâng cao tỷ lệ cập nhật định danh cá nhân (ĐDCN)/căn cước công dân (CCCD) vào phần mềm quản lý và đồng bộ dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với Cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về dân cư. Theo đó, BHXH thành phố ban hành văn bản thực hiện đối với các đơn vị đang quản lý; phối hợp với Công an, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế thành phố trong việc thực hiện trao đổi thông tin dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT để cập nhật số ĐDCN/CCCD...; thu thập số ĐDCN/CCCD và thực hiện đồng bộ ngay tại các bộ phận nghiệp vụ của BHXH thành phố. Trước tháng 10/2022, tỷ lệ cập nhật ĐDCN/CCCD vào phần mềm quản lý và đồng bộ dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với CSDL Quốc gia về dân cư trên địa bàn thành phố chỉ hơn 45%. Sau khi áp dụng các giải pháp, đến cuối năm 2022 tỷ lệ đồng bộ ĐDCN/CCCD là 88% và đến cuối năm 2023 đạt 99%...

Tại hội nghị, ngoài chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, giải đáp các kiến nghị của các đơn vị, bà Huỳnh Nguyễn Phương Oanh – Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao các kinh nghiệm, sáng kiến của các đơn vị trong Cụm và yêu cầu các đơn vị tích cực vận dụng, phát huy hiệu quả, tập trung thực hiện các chỉ tiêu đã được phân bổ, kịp thời nắm bắt tình hình, các khó khăn để tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn