Tháp Mười

Nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề

Cập nhật ngày: 30/03/2015 12:14:25

Bằng nhiều hình thức, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tháp Mười đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, giúp người lao động (LĐ) chuyển đổi có hiệu quả từ làm nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.

Phụ nữ xã Thanh Mỹ cải thiện thu nhập từ nghề đan lục bình

Từ năm 2011 đến năm 2014, huyện Tháp Mười đã mở 154 lớp nghề cho LĐ nông thôn với gần 5.000 học viên tham gia học nghề may công nghiệp, điện công nghiệp, điện lạnh, cơ khí, công nghệ thông tin, kế toán doanh nghiệp, văn thư lưu trữ, hành chính... góp phần đưa tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 42,49%, trong đó tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 38,98%. Trung bình mỗi năm, huyện giới thiệu việc làm cho trên 4.000 LĐ tại các công ty trên địa bàn như Công ty Tỷ Thạc, Công ty CP Sao Mai và một số công ty có trụ sở đặt tại Tiền Giang, Long An...

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, mỗi năm UBND huyện cùng các ngành đào tạo khoảng 1.500 LĐ, trong đó nhóm nghề nông nghiệp 300 LĐ; nhóm nghề phi nông nghiệp 900 LĐ; nhóm trung cấp nghề 300 LĐ.

Đạt được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền được UBND huyện quan tâm như tư vấn, tuyên truyền trên sóng truyền thanh, phát tờ rơi tại các điểm trường THCS, THPT trên địa bàn. Tại mỗi xã, thị trấn, Tổ tư vấn việc làm do lãnh đạo UBND huyện, Phòng LĐ-TB&XH, Huyện đoàn, chính quyền địa phương xuống tư vấn trực tiếp. Tại các buổi gặp gỡ, đoàn tư vấn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người LĐ, cán bộ địa phương để có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Để tập trung cho công tác này, UBND huyện chọn xã Thanh Mỹ làm điểm thực hiện Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm song song với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động của Công ty Tỷ Thạc tại địa phương cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống cho LĐ nông thôn. Trung bình mỗi tháng LĐ làm việc tại công ty có thu nhập trên dưới 4 triệu đồng (tùy theo năng suất làm việc).

Ngoài ra, huyện Tháp Mười còn có Trường Trung cấp nghề Tháp Mười được đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Để thu hút học viên, Trường phối hợp với các đơn vị trường THCS, THPT hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, hướng các em tham gia học nghề, tìm việc làm trong, ngoài tỉnh.

Năm 2015, huyện Tháp Mười tiếp tục giới thiệu việc làm cho người LĐ, qua các hoạt động tư vấn tại các điểm trường; mở các lớp nghề phù hợp với nhu cầu LĐ tại địa phương; kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đến Tháp Mười, phát triển kinh doanh, tạo việc làm cho người LĐ; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đào tạo 1.500 LĐ theo Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn...

C.Phương

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn