Những cây cầu nghĩa tình

Cập nhật ngày: 12/06/2015 13:18:09

Trước đây, điều kiện đi lại của nhân dân xã Long Thắng (huyện Lai Vung) rất khó khăn bởi những cây cầu ván chông chênh, xiêu vẹo nhưng hiện nay trên địa bàn xã đã có sự hiện diện của những cây cầu bê tông mới. Cầu Xẻo Nga bắc qua kênh Xẻo Nga (ấp Hòa Bình, xã Long Thắng) được xây dựng với kinh phí gần 130 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng, nhân dân đóng góp gần 100 triệu đồng và hơn 300 ngày công lao động. Cầu đưa vào sử dụng, giải quyết tốt nhu cầu đi lại của hàng trăm lượt học sinh và bà con trong vùng.


Người dân xã Long Thắng tham gia xây dựng cầu nông thôn

Bà Nguyễn Thị Bảy ở ấp Hòa Bình cho biết: “Lúc trước ở đây là cây cầu ván đã xuống cấp. Dân đi lại, lưu thông hàng hóa rất khó khăn. Nay xây được cầu mới, bà con rất phấn khởi. Việc đi lại của học sinh cũng an toàn hơn vì cầu nối liền Trường Mẫu giáo Long Thắng và Trường Tiểu học Long Thắng 1”. Nhiều cây cầu khác trong xã Long Thắng như: cầu Chùa Bửu Phước, Sơn Trắng... cũng được xây dựng bởi sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân và nhân dân xã nhà.

Diện mạo ở xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành) cũng đang khởi sắc từng ngày nhờ những cây cầu bê tông thay thế cho những cây cầu tạm bợ và dần xóa cảnh “ngăn sông cách đò”. Điều đặc biệt là đa số những cây cầu ở đây được xây dựng nên bởi sự đồng thuận, đóng góp của nhân dân bằng nhiều hình thức (góp tiền, lương thực, thực phẩm...). Có nhiều người dân trong xã như bà Nguyễn Kim Giúp, ông Phan Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Nguyện, anh Nguyễn Văn Khánh... tuy không có nhiều tiền ủng hộ nhưng đã góp công để xây dựng cầu. Vào ngày cao điểm có đến hàng trăm người dân tham gia bắc cầu. Mỗi người mỗi việc nhưng ai cũng nhiệt tình, vui vẻ làm hết mình. Những ngày làm cầu, bà con cùng lao động, nấu nướng, ăn uống. Từ đó, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm càng được thắt chặt.


Cầu Cây Trâm - Thủy Lợi (xã Tân Phú Trung) đã tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân

Những chiếc cầu ở Tân Phú Trung được xây dựng càng nặng nghĩa tình hơn vì có người dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng cũng tham gia đóng góp. Anh Trương Thanh Tùng (ấp Tân Phú) là công nhân nhưng dám “chia sẻ” 1 triệu đồng từ số tiền lương ít ỏi của mình hay bà Trần Thị Ngọc, bán cơm ở TP.Hồ Chí Minh gom góp ủng hộ 100 triệu đồng để cùng làm cầu. Thật cảm động khi bà Nguyễn Thị Ba ở ấp Tân Lập thuộc hộ nghèo, thu nhập bằng nghề cắt lá chuối cũng đến xã xin đóng góp 30 ngàn đồng để xây cầu.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung: Việc vận động nhân dân chung sức xây dựng cầu nông thôn ở địa phương rất thuận lợi, nhận được sự đồng tình cao trong dân vì xã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi sự đóng góp của người dân đều được thông báo công khai trên trạm truyền thanh. Điều đó làm dân hài lòng và an tâm đóng góp. Trong 5 năm qua, xã Tân Phú Trung đã bắc mới được 32 cây cầu bê tông có chiều ngang từ 2,5 - 3,5m; tải trọng từ 1,5 tấn trở lên. Tổng kinh phí xây dựng gần 5,4 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 12.000 ngày công lao động, lương thực, thực phẩm, tiền mặt và hiến đất... trị giá trên 3,4 tỷ đồng.

Những cây cầu do các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng, không chỉ giúp nối liền các tuyến lộ giao thông nông thôn mà còn mang đậm nghĩa tình. Chính những cây cầu sâu nặng tình nghĩa này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn