Những chuyển biến qua 15 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Cập nhật ngày: 24/07/2013 05:45:23

Từ năm 1998 đến nay, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tập trung triển khai và được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ. Phong trào đã góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho người dân theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ.


Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao
qua phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Một trong những nét nổi bật qua phong trào TDĐKXDĐSVH là việc chú trọng xây dựng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt ở các địa phương. Trên cơ sở 5 đức tính của con người Việt Nam được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh đã cụ thể hóa thành những tiêu chí xây dựng "Người tốt, việc tốt" trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa.

Đối với cán bộ phải cần mẫn, tận tụy, có nhiều cống hiến, sáng kiến đem lại hiệu quả cao trong cộng việc. Đối với cá nhân, tổ chức phải có nhiều đóng góp trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội,... Đối với gia đình phấn đấu đạt gia đình văn hóa liên tục từ 3 năm, 5 năm, 10 năm... thực sự tiêu biểu để mọi người học tập.

Qua nhiều mô hình điển hình tiên tiến được triển khai thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH, đã xuất hiện hàng ngàn gia đình vượt khó nuôi dạy con cháu thành đạt, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình truyền thống nhiều thế hệ chung sống đảm bảo hòa thuận - tiến bộ và có hàng nghìn lượt cá nhân tích cực tham gia đóng góp từ thiện xã hội, chăm lo cho người nghèo, làm cầu đường, giúp đỡ các đối tượng bảo trợ xã hội và tích cực trong lao động sản xuất được các cấp, các ngành khen thưởng.

Nếu như năm 1998 toàn tỉnh chỉ có hơn 600 cá nhân, tập thể được UBND các cấp khen thưởng về thành tích thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH thì đến cuối năm 2012, có hơn 6.300 tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến được các cấp, các ngành khen thưởng (tăng hơn 10 lần so với năm 1998).

Bên cạnh đó, qua phong trào TDĐKXDĐSVH đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo ở địa phương; đã có nhiều mô hình giúp nhau giảm nghèo được triển khai đạt hiệu quả như mô hình "3 hộ khá giúp đỡ 1 hộ nghèo" của Hội Liên hiệp Phụ nữ, mô hình "Hỗ trợ hộ thanh niên thoát nghèo" của Đoàn Thanh niên, mô hình "Giúp nhau làm kinh tế giỏi" của Hội Cựu chiến binh... Thống kê năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Tháp là 15,73%, đến cuối năm 2012 giảm xuống còn 10,01%.

Từ phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo động lực rất lớn để thúc đẩy các địa phương phát triển, thông qua việc huy động được các nguồn lực đóng góp của xã hội trong xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, hạ tầng nông thôn,... Ước tính đến nay, qua phong trào TDĐKXDĐSVH nhân dân đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng để đầu tư hệ thống điện, đường, trường, trạm,... cho các địa phương.

Ngoài ra, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của tỉnh diễn ra sôi nổi, ngày càng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" đã được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ; phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Phong trào TDĐKXDĐVH cũng đã phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng trong việc bảo vệ an ninh trật tự, trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các lễ hội...

Có thể nói, việc thực hiện có hiệu quả phong trào TDĐKXDĐSVH đã và đang giúp tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhiều lĩnh vực. Việc nâng cao chất lượng phong trào này cần được các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy hơn nữa.

P.T

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn