Những thách thức trong việc nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật ngày: 06/10/2014 14:09:17

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác DS-KHHGĐ, đồng thời từng bước tăng cường nguồn lực cho công tác này. Qua đó, nhận thức của toàn xã hội về công tác DS-KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt.


Một buổi truyền thông dân số ở thị xã Hồng Ngự

Quan niệm về hôn nhân và sinh đẻ của người dân trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện gia đình ít con, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh Đồng Tháp và việc nâng cao chất lượng dân số của tỉnh vẫn còn những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Cụ thể, kết quả giảm sinh chưa thật sự vững chắc, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên vẫn còn cao. Mức sinh dù ở mức thay thế nhưng vẫn còn đang tiềm ẩn những nguy cơ làm tăng sinh trở lại. Điều đáng lo ngại là trước đây nhiều gia đình khi còn khó khăn về kinh tế nên không dám đẻ nhiều, nay kinh tế khá lên, đời sống vật chất được cải thiện thì việc sinh thêm con, thêm cháu được coi là điều hạnh phúc. Theo lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lai Vung, một trong những địa phương có tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm tỷ lệ cao của tỉnh, những cặp vợ chồng có con thứ ba trở lên đa phần là những người khá giả, đã có 2 con một bề, họ sinh thêm con để đủ trai, đủ gái cho vui nhà, vui cửa.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy đã triển khai thực hiện nhiều chương trình để góp phần nâng cao chất lượng dân số như triển khai Đề án “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”; xây dựng mô hình truyền thông “Chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ”; mô hình “Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân”;... nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn do ý thức của người dân còn hạn chế.

Ông Lưu Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Hồng Ngự cho biết, năm 2014 địa phương đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền cho người dân tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh để góp phần nâng cao chất lượng dân số nhưng kết quả mang lại còn thấp. Trong 9 tháng đầu năm 2014, thị xã có 672 trẻ em được sinh ra thì chỉ có 70 trường hợp được sàng lọc sơ sinh, chỉ chiếm 10,42%. Theo ông Tùng, nguyên nhân là do người dân sợ tốn kém chi phí.

Một thực tế hiện nay đang diễn ra ở thị xã Hồng Ngự và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đó là đa số các bạn trẻ bước vào độ tuổi kết hôn đều chưa quan tâm đến việc khám sức khỏe trước khi lập gia đình, mặc dù ngành dân số các địa phương rất quan tâm tuyên truyền khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm giúp cho con cái của họ sinh ra hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bị dị tật, khuyết tật, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, nâng cao chất lượng giống nòi.

Ngoài những yếu tố vừa nêu, việc nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh Đồng Tháp có một số yếu tố khách quan cản trở, đó là cấp ủy Đảng, chính quyền ở một vài địa phương chưa quan tâm sâu sát đến công tác DS-KHHGĐ nên chưa huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ; kinh phí một số chương trình dân số còn hạn chế; chế độ đãi ngộ cho đội ngụ cộng tác viên và cán bộ dân số còn thấp nên nhiều người chưa mặn mà tham gia công tác;...

Nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu cần hướng đến của ngành dân số và của tỉnh nhằm góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ và tinh thần của cộng đồng dân cư. Thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh cần quan tâm, phối hợp với ngành dân số khắc phục những khó khăn, thách thức nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu DS-KHHGĐ để góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn