Ngành Công an:

Nỗ lực thu thập thông tin dân cư

Cập nhật ngày: 02/12/2018 06:10:26

Việc thu thập thông tin dân cư (TTDC) trên địa bàn được Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành liên quan triển khai tích cực nhằm đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ đề ra.

Để triển khai thực hiện tốt Đề án tổng thể cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020 của Chính phủ, Công an tỉnh Đồng Tháp đã tích cực phối hợp với các ngành và địa phương của tỉnh tổ chức 12 lớp tập huấn thực hiện thu thập TTDC cho hơn 2.000 đối tượng là công an, cán bộ tư pháp, cán bộ phụ trách đoàn thể, trưởng các khóm, ấp ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó, tập trung hướng dẫn cách ghi phiếu, quy trình, phương pháp thu thập thông tin và cách xử lý tình huống trong quá trình thu thập để thống nhất triển khai trên địa bàn tỉnh.


Lực lượng công an xã của huyện Thanh Bình thu thập thông tin người dân

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, cập nhật và khai thác thông tin để thực hiện tốt việc thu thập TTDC trên địa bàn.

Qua triển khai, công an các đơn vị, địa phương của tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh về thực hiện thu thập, cập nhật dữ liệu dân cư và tham mưu tốt cho UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành, UBND cấp xã tăng cường phối hợp cùng công an cơ sở để hoàn thành việc thu thập theo thời gian quy định.

Theo thống kê của Công an tỉnh, trước ngày 1/9/2018 (thời gian chính thức tiến hành triển khai thu thập TTDC), toàn tỉnh có gần 2 triệu 35 ngàn nhân khẩu thường trú cần phải thu thập thông tin. Qua triển khai thu thập TTDC, đến ngày 15/11/2018, các địa phương toàn tỉnh đã thu thập thông tin của hơn 255 ngàn nhân khẩu, đạt 12,5% số nhân khẩu thường trú được thống kê. Trong đó, TP.Cao Lãnh và 2 huyện Thanh Bình, Tháp Mười là các địa phương đã triển khai tốt việc thu thập TTDC, mỗi địa phương đạt tiến độ từ 20 - 25% nhân khẩu thường trú; TX.Hồng Ngự và 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò triển khai thực hiện mới đạt từ 4% - 6,5%.

Theo Thượng tá Trần Thanh Phong - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, công tác thu thập TTDC của tỉnh có một số khó khăn, trở ngại đòi hỏi lực lượng công an và các ngành, đoàn thể địa phương phải nỗ lực thực hiện. Do Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, dân cư phân bố chủ yếu ở nông thôn, tỉnh không có nhiều doanh nghiệp nên dân cư phải đến các tỉnh, thành phố khác làm thuê kiếm sống, không có mặt ở địa phương nhiều. Việc triển khai thu thập TTDC rơi vào thời điểm nông dân vào mùa vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều người phải ở ngoài đồng ruộng sản xuất nên cán bộ phụ trách đến nhà tiếp xúc, thu thập thông tin gặp khó khăn.

Ngoài ra, do thời điểm triển khai thực hiện gần cuối năm, các địa phương phải sơ kết, tổng kết các hoạt động nên có bị động thời gian, ít tham gia thu thập TTDC cùng lực lượng công an, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thu thập thông tin. Trong quá trình thu thập thông tin ghi vào phiếu, nhiều người dân chưa cung cấp đầy đủ các trường thông tin, lực lượng công an cơ sở phải đi lại nhiều lần mới ghi đầy đủ thông tin. Có nhiều hộ dân chỉ có người già và trẻ em ở nhà nên việc lấy thông tin cá nhân của những người trong hộ khá vất vả.

Thượng tá Trần Thanh Phong cho biết, công tác thu thập TTDC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành công an trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Hiện, Phòng và các đơn vị liên quan tập trung đôn đốc toàn lực lượng triển khai thu thập thông tin để đến ngày 31/12/2018 sẽ cơ bản hoàn thành việc thu thập TTDC.

Qua thu thập TTDC nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, giảm bớt thủ tục hành chính và thực hiện tốt mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ đã đề ra. Phiếu thu thập thông tin có 15 trường thông tin về công dân, để cho việc thu thập thông tin được thuận lợi, chính xác, người dân cần chuẩn bị trước nội dung về cá nhân và người thân của mình, như: họ tên, ngày sinh, quê quán, số giấy chứng minh, nơi ở,... để cung cấp cho cán bộ thu thập thông tin.

Việc thu thập TTDC để hoàn chỉnh Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mọi người dân cần cung cấp thông tin chính xác cho công an để hoàn thành cơ sở dữ liệu quan trọng này.

Trần Ngọc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn