Ổn định đời sống, thu nhập cho người dân nơi biên giới
Cập nhật ngày: 25/08/2020 11:36:57
ĐTO - Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, TX.Hồng Ngự tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp ổn định đời sống, thu nhập cho người dân như thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Ông Ngô Thanh Trí – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp (thứ 3 từ phải sang) bàn giao nhà Đại đoàn kết tại xã Thông Bình, huyện Tân Hồng
Thời gian qua, các sở, ngành tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ, phối hợp địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội phát triển vùng biên giới. Cụ thể, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, đảm bảo các tuyến đường ô tô lưu thông đến trung tâm xã; đảm bảo cung ứng nguồn nước hợp vệ sinh. Các cụm, tuyến dân cư tại các xã biên giới được ưu tiên đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, xét duyệt bố trí người dân vào ở ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, thông qua nhiều nguồn hỗ trợ các huyện, thị xã đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn tại địa phương.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cấp ủy, chính quyền các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, TX.Hồng Ngự đã tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển sản xuất gắn kết với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhằm cải thiện thu nhập cho người dân, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng ngành liên quan đã triển khai xây dựng các mô hình hỗ trợ nguồn vốn, chăn nuôi, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hộ nghèo tại huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các ngành phối hợp ngành nông nghiệp chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình quản lý dịch bệnh tổng hợp IPM; mô hình phân bón thông minh; mô hình phân vùi; mô hình nuôi lươn...
Cùng với sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Tân Hồng đã tạo điều kiện thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tập trung chăm lo kịp thời cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, nhất là giải quyết vấn đề về nhà ở. Đến nay, toàn huyện có hơn 300 lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, số tiền gửi về nước trên 100 tỷ đồng. Từ đó góp phần tích cực cho công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập. Một số lao động sau khi về nước tiếp tục đăng ký đi lần 2, tham gia làm việc tại một số công ty của nước sở tại đóng tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương...
Tại huyện Hồng Ngự, các chương trình về giải quyết việc làm, giảm nghèo được UBND huyện chỉ đạo các ngành thực hiện tốt, mang lại hiệu quả. Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề theo địa chỉ gắn với tư vấn hỗ trợ tìm việc làm cho lao động, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Hằng năm, các xã, thị trấn hỗ trợ tìm việc làm mới trên 2.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%. Phối hợp cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tư vấn, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trung bình mỗi năm, huyện Hồng Ngự có hơn 100 lao động xuất cảnh mang lại thu nhập ổn định.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định đời sống, thu nhập cho người dân các xã biên giới, trong thời gian tới, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Chú trọng công tác dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho lao động nông thôn nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục định hướng cho người lao động, tạo điều kiện cho lao động tìm kiếm được việc làm, nhất là công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng; giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho đối tượng chính sách. Tiếp tục lồng ghép triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo có hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững. Phối hợp với các đơn vị trường, trung tâm chuyên về lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh hợp tác, đào tạo, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ chế biến nông sản; hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các nông sản. Đồng thời củng cố và phát triển kinh tế hợp tác với trọng tâm tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán và các loại hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế, phát triển thủy sản theo hướng đa dạng hóa; quan tâm phát triển các mô hình sinh kế của người dân trong mùa lũ.
C.Phương