Phát triển làng nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Cập nhật ngày: 18/09/2013 04:51:57
Từ năm 2003 đến năm 2013, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Sở Công Thương, hội đoàn thể các cấp đã phối hợp thực hiện công tác đào tạo nghề, truyền nghề, duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Qua đó có 451 lớp dạy nghề nông thôn được mở gồm: nghề đan bội, đan cần xé, đan thảm lục bình, đan giỏ xách nhựa, đan ghế, dệt chiếu, dệt khăn choàng, kết cườm... đào tạo nghề cho 18.253 lao động, giải quyết việc làm cho 11.800 lao động.
Chị Nguyễn Thị Thúy, ấp Long Tả, xã Long Khánh A,
huyện Hồng Ngự dệt choàng bằng máy
Để đào tạo nghề đúng với nhu cầu thực tế, Sở LĐ-TB&XH biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu dạy nghề nông thôn theo định hướng nghề của Trung ương, tỉnh, cấp phép dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành các tiêu chí quy định về làng nghề tiểu thủ công nghiệp áp dụng trên địa bàn tỉnh, đồng thời khảo sát, xét chọn, trình UBND tỉnh phê duyệt công nhận 44 làng nghề.
Ngoài việc hoàn tất các thủ tục, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp còn phối hợp với các ngành liên quan, địa phương tìm hiểu nguyện vọng, ghi nhận, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất trong và ngoài tỉnh.
Hướng đến các hoạt động sản xuất ổn định, lâu dài bắt nhịp kịp với thị trường, một số làng nghề được đầu tư phương tiện làm nghề, giúp chuyển từ quy trình sản xuất thủ công sang quy trình sản xuất máy. Mỗi năm, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ gần 800 triệu đồng đầu tư máy đục tre, máy chẻ nan, máy dệt chiếu, dây chuyền sản xuất nhang... cho các cơ sở.
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm cũng đã hỗ trợ 20 đề án cho cơ sở nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, các máy móc được hỗ trợ đầu tư gồm: máy dệt choàng, máy se lát, máy quấn chỉ, máy dệt chiếu... Số lượng máy móc được đầu tư giúp người lao động nông thôn giảm bớt lao động chân tay, tạo cơ hội việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Mỗi lao động có thu nhập bình quân từ 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thúy ở ấp Long Tả, xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, trước đây dệt choàng bằng phương pháp thủ công, sau khi được địa phương, Sở Công Thương hỗ trợ tiền vay 5 triệu đồng, chị chuyển từ dệt tay sang dệt máy. Chị Thúy cho biết, chồng đi làm thợ hồ, chị ở nhà làm nghề dệt choàng, do dệt máy nên giờ nào rảnh chị lại vận hành máy dệt. Trung bình mỗi ngày, chị thu nhập được 50.000 đồng, thu nhập và công việc ổn định hơn.
Hiện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển đang triển khai các giải pháp củng cố các làng nghề truyền thống, đồng thời khuyến khích hỗ trợ phát triển thêm các nghề mới như phối hợp mở lớp dạy nghề bó chổi tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, nghề đan bội tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, xã Tân Bình, huyện Châu Thành; nghiên cứu mô hình thêu ở An Giang để có kế hoạch đào tạo nghề cho địa phương; tổ chức các lớp nghề làm hoa khô từ nguyên liệu vỏ bắp, lá cây cho lao động nông thôn có nhu cầu học nghề.
C.Phương