Phát triển nghề công tác xã hội

Cập nhật ngày: 30/04/2018 17:39:39

ĐTO - Tỉnh thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020 của Chính phủ, bước đầu đã tạo dựng được khung pháp lý cơ bản về nghề này, trong đó quy định về chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH, tiêu chuẩn chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội; hình thành hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ, đội ngũ nhân viên, cộng tác viên CTXH các cấp. Các chính sách bảo trợ xã hội đều được triển khai đồng bộ, thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên đầy đủ, kịp thời đến đối tượng theo quy định.


Sinh viên ngành công tác xã hội, Trường Đại học Đồng Tháp và các em học sinh trong buổi tuyên truyền nâng cao nhận thực kỹ năng làm việc nhóm

Nhằm xây dựng đội ngũ cộng tác viên làm CTXH ở xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu của nghề CTXH trong việc can thiệp, kết nối, tham vấn, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế tại cộng đồng, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88, ngày 25/4/2015 về việc tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cộng tác viên CTXH cấp xã giai đoạn 2015-2018. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ cho 56.970 đối tượng, trong đó 352 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, 26 người từ 16 - 22 tuổi đang đi học, 51 người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, 637 người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ nghèo, 30.301 người cao tuổi, 21.099 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 4.411 hộ gia đình trực tiếp chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng và 93 hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi, kinh phí trên 229 tỷ đồng...; phối hợp chặt chẽ với Hội Người mù, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là Hội Người cao tuổi xây dựng kế hoạch, đề xuất kinh phí và hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thăm chúc thọ, mừng thọ và tặng quà cho người cao tuổi... Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có cán bộ CTXH đang hoạt động tốt, góp phần trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội như: y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm...

Những năm qua, Trường Đại học Đồng Tháp đã đào tạo 499 sinh viên ngành CTXH có trình độ đại học, có 358 sinh viên đã tốt nghiệp (hơn 80% có việc làm), trong đó có 117 sinh viên làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Em Nguyễn Thị Bé Thảo (quê TX.Hồng Ngự), sinh viên năm 2, lớp đại học CTXH, Trường Đại học Đồng Tháp bộc bạch: “Trước đây, em có dự định thi vào ngành y, nhưng có lẽ vì chưa đủ duyên nên theo học ngành CTXH. Càng học em càng thích ngành này. Trong quá trình học, em được đi thực tế nhiều nơi với nhiều hoạt động, học được nhiều kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt, nhiều thầy, cô rất nhiệt huyết với nghề, đã tiếp thêm lửa để em tự tin vào chặng đường phía trước. Mong muốn của em là sau khi tốt nghiệp về địa phương tìm một việc làm phù hợp với ngành mình đã học, góp phần giúp những người yếu thế trong xã hội, thực hiện tốt CTXH”.

Bà Nguyễn Ngọc Năm - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hầu hết các bệnh viện trong tỉnh đều có phòng/tổ CTXH với số lượng 153 cán bộ, nhân viên. Lực lượng này hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ kinh phí, vật chất để hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn;... Tuy nhiên, các cấp, các ngành và người dân chưa biết nhiều đến CTXH của bệnh viện. Các hình thức trợ giúp, các dịch vụ CTXH tại BV chưa phong phú, hiệu quả còn hạn chế. Đa số nhân viên làm việc trong lĩnh vực CTXH chưa được đào tạo chuyên môn.

Theo ông Huỳnh Duy Khương - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, khuôn khổ pháp lý về nghề CTXH chưa hoàn thiện, công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này chưa đạt hiệu quả cao, các điều kiện, chế độ đãi ngộ cho cán bộ còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các cơ sở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng; đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn ít và chưa chuyên nghiệp, còn thiếu đội ngũ cộng tác viên tại cộng đồng. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH của các cấp, ngành, địa phương còn hạn chế, số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ CTXH còn ít. Các hoạt động hiện tại mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp đỡ họ tự giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.

Để giải quyết các khó khăn, các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, làm thay đổi nhận thức trong xã hội về nghề CTXH; tập hợp, vận động hội viên tình nguyện tham gia CTXH. Đồng thời, ngành chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, các ngành, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiệu quả.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn