Phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em và phụ nữ

Cập nhật ngày: 24/08/2018 11:30:01

ĐTO - Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Kế hoạch bảo vệ trẻ em (TE) tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB&XH) phối hợp cùng các sở, ngành, đoàn thể thực hiện công tác truyền thông tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, TE góp phần nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống, hỗ trợ, giúp đỡ những đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng.


Hướng dẫn kỹ năng bảo vệ an toàn trẻ em trong trường học

Do thói quen của một bộ phận người dân, định kiến về giới, một số chị em phụ nữ có suy nghĩ vợ chồng cãi vã, chửi mắng, đánh nhau là chuyện bình thường. Nguyên nhân bắt nguồn do người chồng cảm nhận người vợ chưa chăm sóc tốt cho con cái, hay do ghen tuông, tự ái, mâu thuẫn tiền bạc, nợ nần... Một số trường hợp khác do người chồng, người cha nghiện rượu, bình thường chăm lo cho vợ, con rất tốt, nhưng khi có rượu vào thì tinh thần kích động, sẵn sàng đánh, mắng, bạo lực tinh thần đối với vợ con; có những trường hợp vì con, nên người phụ nữ cam chịu, chấp nhận trong bất lực, bất chấp nguy hiểm đến tinh thần, tính mạng.

Đa số các vụ bạo hành rất ít được chính người trong gia đình cung cấp ra bên ngoài, có những trường hợp người vợ bị bạo hành nhiều lần nhưng vì thương chồng vẫn cố tình che giấu, không muốn trình báo với hội đoàn thể, công an. Số khác khi bị bạo hành để lại dấu tích trên thân thể, lúc không thể chịu đựng nổi và được hỏi mới chia sẻ với người thân, bạn bè; những trường hợp bị bạo hành nặng mới thông tin nhờ Công an can thiệp và giúp đỡ. Do bản thân nạn nhân bị bạo hành không muốn trình báo và nhờ can thiệp nên cơ quan chức năng không có cơ sở để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Ngoài ra, ở cấp cơ sở hiện nay cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình vẫn còn kiêm nhiệm, phần nào ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các văn bản liên quan; các vụ việc BLGĐ ảnh hưởng đến nạn nhân là TE cũng khó thống kê...

Đối với các trường hợp BLGĐ liên quan đến TE, từ năm 2011 đến tháng 6/2018, Sở LĐ – TB&XH tiếp nhận 20 vụ BLGD nạn nhân là TE. Các em bị cha, mẹ, dì dượng hoặc ông, bà bạo hành gây tổn thương về tinh thần, thể chất. Các đơn vị trực thuộc Sở LĐ – TB&XH đã tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật, hỗ trợ giúp đỡ về y tế, dinh dưỡng, tạo điều kiện cho các em được học tập.

Tập trung thực hiện công tác triển khai thi hành Luật phòng, chống BLGĐ, mỗi năm từ nguồn kinh phí Trung ương, ngân sách tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông lồng ghép vào công tác bình đẳng giới.

Từ năm 2008 – 2018, hơn 2 tỷ đồng đã dành cho công tác này, với các hình thức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, phát tờ rơi, truyền thanh, phối hợp thực hiện chuyên trang, truyền thông nhóm dành cho đối tượng làm cha mẹ, người chăm sóc TE, tổ chức gần 120 lớp kỹ năng dành cho TE. Đồng thời thực hiện mô hình Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng. Sở LĐ – TB&XH, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn xã Long Hậu, huyện Lai Vung thực hiện mô hình thí điểm.

BLGĐ gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất đối với phụ nữ, TE nếu không can thiệp, hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hỗ trợ, tiếp sức cho các chị em phụ nữ, TE có đủ nghị lực vượt qua định kiến về giới, Sở LĐ – TB&XH đã triển khai, tập trung thực hiện công tác truyền thông vào 2 nhóm đối tượng dễ bị bạo hành là TE, phụ nữ qua các buổi tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản để xử lý khi bản thân hoặc người thân bị bạo hành, bạo lực, xâm hại. Chủ động phối hợp với các ngành củng cố, hoàn thiện đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở nắm bắt thông tin liên quan đến BLGĐ đối với TE, phụ nữ, tổ chức có hiệu quả mô hình Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng. Cung cấp các tài liệu về phòng, chống BLGĐ cho các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; tập trung vào công tác hòa giải cấp cơ sở nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, ghi nhận, tiếp cận nhanh chóng các vụ việc được người dân, dư luận phản ánh, có các giải pháp hiệu quả, phù hợp phòng, chống các vụ BLGĐ nghiêm trọng.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn