Rao hàng thời công nghệ

Cập nhật ngày: 02/12/2013 04:49:50

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trở nên kén chọn thì dân buôn bán cũng nghĩ ra nhiều chiêu “quảng cáo” để lôi kéo khách hàng. Tiếng rao càng lạ, càng “độc” và có phần hài hước, gây chú ý hy vọng sẽ bán được nhiều hàng.


Lời rao hàng càng “độc”, lạ và vui, dường như càng thu hút người mua

Hút khách nhờ rao... hài

Đó là những tiếng rao được phát ra từ chiếc máy được ghi âm sẵn hay rao miệng bằng một chất giọng rất riêng, vừa có chút hài hước, dễ thương và gần gũi, khiến người nghe phải chú ý. Anh Phan Văn Giàu (36 tuổi), bán đồ rẫy tại chợ Mỹ An (huyện Tháp Mười). Anh bán hàng theo mùa, “mùa nào, loại ấy”: dưa leo, dưa hấu, xu... Theo anh Giàu, việc buôn bán trước đây chỉ dựa vào giá cả và chất lượng hàng hóa, còn bây giờ phụ thuộc vào cả tâm lý của người mua. Ngồi bán mà không quảng cáo thì hàng hóa cho dù chất lượng tốt, giá rẻ khách hàng cũng không để ý, chúng tôi phải có chiêu “độc” để thu hút họ.

Nói xong, anh Giàu bật công tắc rồi cầm chiếc micro nói như hát: “3 ký xu 10 ngàn Hai ơi!; 10 ngàn 3 ký xu, 10 ngàn; rẻ rề, rẻ bèo, rẻ như cái bánh xèo...”. Cô 6 Lợi, một người đi chợ nói, tôi nghe lời rao cũng vui vui, nhờ đó mà tôi biết thông tin 3 ký xu giá 10 ngàn đồng nên ghé vào mua vài ký về dùng. Anh Giang cho hay, do mặt hàng anh bán thường xuyên thay đổi nên rao bằng micro cho linh động (dù tốn công nói) thay vì dùng băng đĩa thu sẵn lời rao. Nói dứt lời, anh lại bật micro mời gọi: “Quanh cua, quẹo cua, quẹo vô mua xu bà con ơi!”.

Không chỉ các tiểu thương ở chợ, cả những người bán hàng dạo cũng nghĩ ra đủ cách mời khách hàng trong thời điểm người bán đông, người mua kén. Vào những lúc cao điểm như giờ tan sở, người đi đường trên quốc lộ 30 (đoạn thuộc huyện Cao Lãnh) có thể bắt gặp anh thanh niên tên Sặc (quê ở thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) bán áo sơ mi dạo đứng gào thét “khoe” áo 25.000 đồng/cái. Lâu lâu, anh ta lại trổ tài ăn nói: “Áo 25 ngàn, quý ông mặc vào gái mê. Chị em mua tặng, lo ngay giữ chồng”. Nhiều người đi đường nghe xong phì cười. Không ngại ngùng, anh Sặc cho biết: “Bán hàng thì phải rao để khách chú ý. Bây giờ buôn bán khó khăn, cứ ngồi nhìn khách qua lại mà không nói câu mời chào gì thì chỉ có nước bỏ nghề”.

Rao hàng thời công nghệ

Ngày nay, khi máy móc được ứng dụng rộng rãi, người bán hàng cũng bắt đầu “tiết kiệm” tiếng rao của mình. Thay vào đó là những âm thanh rao từ máy móc. Những tiếng rao với nhiều âm sắc khác nhau, giống như một bản nhạc sinh động đã giúp người bán quảng cáo mặt hàng của mình đến nhiều người một cách nhanh hơn.

Anh Nguyễn Văn Long (quê ở tỉnh Quảng Ngãi, đang tạm trú ở thành phố Cao Lãnh) chuyên bán trái cây dạo. Từ chỗ rao bằng miệng rồi dùng máy cassette với những cuốn băng dây, bây giờ anh mua chiếc điện thoại di động về thu trực tiếp giọng rao hàng của mình để đưa vào máy phát. “Nghe một giọng hoài cũng chán, mà lại tiếng của người khác nên không thích. Từ khi có điện thoại, tôi lấy cái mền trùm thật kín, sau đó bật máy lên ghi âm lại. Đi bán thì lấy thẻ nhớ ra gắn vào chiếc máy mini để phát. Làm như vậy, mình thỏa sức sáng tạo nhiều cách rao hàng, nay kiểu này, mai kiểu khác, khách hàng nghe ai cũng thích” - anh Long cho hay.

Chú Nguyễn Văn Chúng ngụ xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình làm nghề bán hàng rong (cá khô, dừa tươi...) đã gần 20 năm cho biết, những ngày đầu chú dùng tiếng rao từ chiếc máy cassette, nhiều người không quen nên tiếng rao trên loa cứ rao, còn chú vẫn cứ rao bằng miệng. “Tiếng rao qua máy móc cũng có cái tiện, cái hay. Nhưng khi tiếng loa vang to, nhiều lúc khách gọi mua hàng lại chẳng nghe”. Ban đêm, thay vì sử dụng những tiếng rao “ầu ơ” từ ngày xưa cũ, hay tiếng máy thu âm..., nhiều người lại dùng chiếc chuông lắc leng keng hay thanh tre gõ cóc cóc để khách biết mà mua, không gây ồn ào để người dân còn ngủ.

Dù thời công nghệ với nhiều dụng cụ hiện đại thay thế sức người nhưng trong ký ức của nhiều người có lẽ vẫn còn in đậm hình ảnh người đàn ông đẫm mồ hôi trên chiếc xe đạp trong buổi trưa nắng gắt với tiếng rao: “Bơm ga hộp quẹt, bơm dầu bạc hà!”. Cô mua ve chai với giọng lảnh lót: “Ve chai, dép đứt, mủ bể, lông vịt đồ bán hông?”. Hay tiếng rao kèm tiếng chuông leng keng của ông bán kẹo kéo và anh bán si rô đá bào là cả niềm mong ngóng, chờ đợi của đám trẻ nhà quê... Sau mỗi tiếng rao là một cuộc đời, là cuộc vật lộn để mưu sinh của những người bán hàng rong. Họ phải “sáng tạo” ra nhiều kiểu mời mọc riêng để thu hút khách hàng. Cuộc sống giờ hiện đại, nhiều người chuyển qua rao bằng loa máy. Âu đó cũng là một cách để giúp người đi bán dạo đỡ vất vả hơn.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn