Sàng lọc trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số

Cập nhật ngày: 27/03/2018 06:37:49

ĐTO - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số (DS) trong tình hình mới là nâng cao chất lượng DS. Thực hiện nhiệm vụ này, ngành DS tỉnh xác định tập trung đẩy mạnh Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh (TS&SS) để từng bước nâng cao chất lượng DS.


Đến năm 2020, toàn tỉnh phấu đấu đạt 80% trẻ sơ sinh tham gia sàng lọc sơ sinh

Đề án đã được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) triển khai từ năm 2011, tại 5 địa phương: TP.Sa Đéc, TP.Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự, huyện Tháp Mười và huyện Hồng Ngự. Trong năm đầu triển khai, chỉ có trên 2.000 phụ nữ mang thai và hơn 1.800 trẻ sơ sinh được khám sàng lọc. Tuy nhiên, đề án đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi trẻ ra đời, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng. Trước hiệu quả và lợi ích của đề án, tỉnh đã triển khai rộng khắp trên 12 huyện, thị, thành trong tỉnh.

Năm 2017, toàn tỉnh có 10.203 phụ nữ mang thai được khám sàng lọc trước sinh, đạt 142,30% chỉ tiêu kế hoạch năm. Qua đó đã phát hiện 16 ca nguy cơ cao, chiếm 0,21% tổng thực hiện sàng lọc. Có 6.023 trẻ được sàng lọc sơ sinh, chiếm 54,7% kế hoạch, phát hiện 41 trẻ có nguy cơ cao (37 trẻ thiếu men G6PD và 4 trẻ nguy cơ cao suy giáp bẩm sinh). Các trường hợp đều được tư vấn và chuyển lên tuyến trên để sàng lọc lại và hướng dẫn điều trị để đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ.

Các địa phương thực hiện tốt công tác sàng lọc TS&SS là TX.Hồng Ngự, TP.Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh,...  Bác sĩ Lê Thị Thủy Tiên - Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Cao Lãnh cho biết, thời gian gần đây, nhận thức của nhiều cặp vợ chồng về vấn đề sàng lọc TS&SS có sự chuyến biến tích cực. Nhiều ca đến bệnh viện sinh đã đăng ký lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh cho trẻ. Trước đây, các cặp vợ chồng đến bệnh viện sinh thường không chịu hợp tác trong việc lấy mẫu máu gót chân cho trẻ vì sợ trẻ đau và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ”.

Theo ông Lê Văn Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, hiện tỷ lệ DS bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ chiếm tới 1,5% DS và số tích lũy hàng năm tiếp tục tăng lên, do số trẻ em sinh ra bị dị tật chiếm tỷ lệ cao 1,7% tổng số trẻ sinh ra. Kéo giảm tình trạng này và nâng cao chất lược DS không hướng nào hiệu quả hơn là đẩy mạnh thực hiện Đề án sàng lọc. Để làm tốt điều này, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh việc truyền thông, vận động tại cộng đồng. Đối tượng được tuyên truyền là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó cần lưu ý phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc có con chết sớm sau sinh, thai phụ thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền,... Về phía ngành, sẽ tập trung đẩy mạnh việc tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ y tế, đồng thời cung cấp kịp thời các trang thiết bị, dụng cụ lấy mẫu máu cho các Trung tâm Y tế huyện, thị xã.

“Thời gian tới, việc triển khai các hoạt động của đề án sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền vẫn được xem là hoạt động trọng tâm, lâu dài. Các hình thức truyền thông sẽ được thực hiện một cách đa dạng, linh hoạt như: tư vấn nhóm, tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, áp phích, phát thanh... để người dân biết và tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ mang thai trên địa bàn được khám sàng lọc TS&SS. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 80% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về lợi ích của sàng lọc TS&SS; 50% bà mẹ mang thai đồng ý tham gia sàng lọc trước sinh và 80% trẻ sơ sinh tham gia sàng lọc sơ sinh”- ông Hùng nói

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn