Sạt lở bờ sông - đến “hẹn” lại... tăng

Cập nhật ngày: 08/07/2016 11:00:41

ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PPNT) tỉnh, tình hình sạt lở bờ sông (SLBS) đã xảy ra ở 33 xã, phường 9/12 huyện, thị, thành phố của tỉnh Đồng Tháp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ SLBS gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Tình trạng SLBS đang diễn biến phức tạp, đang gia tăng trong mùa mưa bão.


Đoạn đường nơi căn nhà bà Lê Thị Kim Tảo xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh bị sạt lở, giao thông bị ảnh hưởng

Nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở

Trên địa bàn tỉnh, chỉ có 3 huyện nằm sâu trong nội đồng gồm Tân Hồng, Tam Nông và Tháp Mười là không bị ảnh hưởng bởi nạn SLBS, các địa phương còn lại đều xảy ra tình trạng này. Theo Sở NN&PTNT tỉnh, SLBS xảy ra là do động lực dòng chảy kết hợp với cấu tạo nền địa chất yếu của lòng dẫn và những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra. Xói lở thường diễn ra ở các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.

Ngoài ra, SLBS còn do các hoạt động của con người như việc khai thác cát; nuôi trồng thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông và xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp lòng dẫn; sóng gió do các phương tiện thủy gây ra tình trạng sạt lở cục bộ.

Là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long với trên 158km sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa bàn cùng hàng trăm nhánh sông lớn nhỏ của hai con sông trên nên Đồng Tháp không tránh khỏi nạn SLBS diễn ra hằng năm. Qua thống kê, năm 2014 tổng diện tích đất bị sạt lở toàn tỉnh lên đến trên 12ha, thiệt hại trên 30 tỉ đồng, tăng trên 5,5 tỉ đồng so với năm 2013. Đến năm 2015, có 35 xã, phường trong toàn tỉnh bị ảnh hưởng sạt lở, với chiều dài bờ sông bị sạt lở hơn 35km, diện tích đất bị mất do sạt lở hơn 4,5ha, ước thiệt hại hơn 31 tỷ đồng và toàn tỉnh có đến 2.141 hộ nằm trong vành đai sạt lở.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2016, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, càng vào mùa mưa bão, tình trạng SLBS càng tăng. Theo Sở NN&PTNT, trong 9 vụ SLBS đã xảy ra thì có đến 7 vụ diễn ra trong tháng 5 và tháng 6/2016 khi thời tiết diễn biến mưa bão nhiều. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng SLBS đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng do làm mất nhiều đất đai, nhà cửa của người dân. Sạt lở gây sập hoàn toàn 1 căn nhà, 13 căn nhà phải tháo di dời khẩn cấp và 73 hộ khác bị ảnh hưởng phải di dời nhà đến nơi an toàn.

Dân khiếp vía, đường giao thông đứt đoạn vì sạt lở

Đến nay, khi nhắc đến vụ sạt lở căn nhà của bà Lê Thị Kim Tảo trên đoạn sông Cần Lố thuộc ấp Bình Nhứt, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (xảy ra ngày 10/6/2016) nhiều người vẫn còn khiếp vía. Khoảng 6 giờ sáng ngày 10/6, khi gia đình bà Tảo còn say ngủ thì vụ sạt lở diễn ra, căn nhà của bà Tảo bị đổ sập xuống sông. Chồng và 2 người con của bà Tảo tìm cách thoát ra ngoài kịp nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Bà Tảo nhớ lại: “Nghe có tiếng động lạ, tôi ra trước nhà quan sát thì thấy có vết nứt lớn trên mặt đất. Chưa kịp tri hô thì căn nhà đổ sụp xuống sông, thiệt hại nhiều tài sản”.

Hiện gia đình bà Tảo đã tìm được nơi khác cất nhà mới. Trong vụ sạt lở trên, ngoài thiệt hại căn nhà của bà Tảo còn khiến một đoạn đường đan dài 70m sạt lở, địa phương phải mở đường phụ vòng ra phía sau chợ Nhị Mỹ cho người dân đi tạm.

Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 29 - 30/5/2016, bờ sông Dưa thuộc ấp Tân Phú, xã An Nhơn, Châu Thành liên tục xảy ra sạt lở với chiều dài 48m, ăn sâu vào bờ 10m làm sạt lở 480m2 đất của người dân xuống sông, khiến 6 hộ dân phải di dời nhà khẩn cấp.

Ở các địa phương thường xảy ra tình trạng SLBS, nhắc đến từ “sạt lở” nhiều người ngán ngẩm vì nhiều tài sản của họ tích góp dành dụm cả đời dần trôi theo dòng nước. Bà Đỗ Thị Bướm ở xã Tân Bình, huyện Thanh Bình nói: “Tôi rất sợ sạt lở, đêm đến không ngủ được. Ở đây không riêng gì tôi mà rất nhiều người khác cũng sợ sạt lở đất”.

Cần nhiều kinh phí để phòng, chống sạt lở

Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã tổ chức khảo sát sạt lở để di dời dân đến nơi an toàn và quan tâm, theo dõi cắm biển báo hay tuyên truyền để nhân dân chủ động phòng tránh thiệt hại do SLBS gây ra. Ngoài ra, tỉnh còn triển khai xây dựng các bờ kè chống xói lở ở nhiều nơi như: kè chống xói lở giai đoạn 3 (TP.Sa Đéc); kè khắc phục SLBS Tiền ở các xã: An Hiệp (huyện Châu Thành), Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò), Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự), khu vực Tổng kho xăng dầu và Khu công nghiệp Trần Quốc Toản (TP.Cao Lãnh), bờ kè khắc phục sự số SLBS Lấp Vò-Sa Đéc thuộc khu vực xã Tân Dương (huyện Lai Vung), qua đó giúp giảm bớt SLBS xảy ra ở các khu vực vày.

Khó khăn trong công tác phòng, chống SLBS của tỉnh hiện nay là công tác di dời dân khu vực sạt lở nguy hiểm còn chậm, nguyên nhân do kinh phí của Trung ương hỗ trợ cho công tác di dời dân còn hạn chế, một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và còn e ngại khi về nơi tái định cư do không thuận lợi trong việc mưu sinh hằng ngày. Ngoài ra, do nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở còn ít nên việc thi công còn kéo dài.

Được biết, để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng, ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, đồng thời bảo vệ các tuyến đường giao thông huyết mạnh, tỉnh Đồng Tháp đang có kế hoạch đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ vốn khắc phục sạt lở bờ sông với tổng kinh phí hơn 876 tỷ đồng. Nếu có được nguồn vốn hỗ trợ trên sẽ tạo thuận lợi hơn cho tỉnh trong việc phòng, chống SLBS.

PHÚ THUẬN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn