Sống với nghề sửa khóa

Cập nhật ngày: 06/03/2013 06:04:06

Trong tay chỉ cần một thanh sắt nhỏ người thợ sửa khóa có thể mở bất cứ ổ khóa nào. Vì vậy, người sống bằng nghề sửa khóa luôn đặt chữ “tâm” lên hàng đầu...

Chân dung thợ sửa khóa

Có lẽ người dân sống quanh khu vực Chợ Sa Đéc, ít ai mà không biết đến ông Hai Liêm - một thợ sửa khóa thường ngồi ở một góc nhỏ ở Ngã ba đường Nguyễn Sinh Sắc và đường Trần Hưng Đạo. Với cái tủ nhỏ có treo lủng lẳng chìa khóa cùng 2 chiếc ghế nhựa cho khách ngồi chờ. Chỉ có vậy, nhưng đó chính là cơ ngơi nghề nghiệp và là phương tiện nuôi sống vợ con của người thợ Hai Liêm.

Trong cuộc sống có rất nhiều con đường để lập nghiệp nhưng đối với ông Hai Liêm việc chọn nghề sửa khóa đó là “duyên số”. Ông kể, bản thân ông đã tốt nghiệp trường Sư phạm và từng là giáo viên Tiểu học trước ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Đến năm 1976, vì hoàn cảnh, ông xin nghỉ dạy. Thất nghiệp, lại không có ruộng đất nhưng phải nuôi cả gia đình, nên ông Hai Liêm rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn. Thấy ông hiền lành, ngay thẳng, một người bạn vốn là thợ sửa khóa ở Sa Đéc dạy nghề cho ông. Nhanh trí, nên sau một thời gian ngắn theo học, ông Hai Liêm đã tách ra kiếm sống và gắn bó với nghề cho đến nay.


Thợ khóa Trần Văn Minh sửa khóa cho khách

Đối với thợ sửa khóa Trần Văn Minh (61 tuổi) ở phường 2, TP. Cao Lãnh từng trải qua nghề sửa xe cho biết, trong nhiều nghề thì nghề làm chìa khóa, sửa khóa nhàn và đỡ cơ cực. Người thợ chỉ cần vài dụng cụ như: đoản sắt, cây giũa, cây tua vít... là có thể làm nghề được. Tuy nhiên, người thợ phải không ngừng học hỏi, tự nâng cao tay nghề và theo dõi thị trường để tìm hiểu nhiều loại khóa mới. Để tiết kiệm thời gian và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, thợ sửa khóa còn đầu tư mua sắm thêm một số loại máy cắt chuyên dùng.

Đặt chiếc chìa mẫu vào rãnh máy cắt chìa, trong vòng vài phút một chiếc chìa khóa “bản sao” đã ra đời. Ông Minh chỉ cần giũa sơ vài đường là có thể bỏ túi từ 10 ngàn đến 20 ngàn đồng tiền công, tùy loại chìa. Theo các thợ khóa như ông Minh và ông Hai Liêm, trung bình mỗi ngày họ kiếm được 70 - 80 ngàn đồng, có ngày khách đông thu nhập lên đến 200 - 300 ngàn đồng.

Buồn vui... nghề thợ khóa

Trong vô số các nghề trong xã hội, nghề nào cũng vậy bên cạnh cái “tài” đòi hỏi người làm nghề phải có cái “tâm”. Vì chỉ cần có trong tay một thanh sắt nhỏ người thợ có thể mở bất cứ ổ khóa nào và lấy đi bất cứ thứ gì, nên trong nghề sửa khóa cái “tâm” của người thợ phải đặt lên hàng đầu.

Có một nguyên tắc những người thợ khóa như ông Hai Liêm và ông Trần Văn Minh phải nằm lòng khi vào nghề là sẽ không làm điều bất lương hoặc tiếp tay cho kẻ gian. Chính vì thế nên hầu hết những người thợ sửa khóa đều từ chối nhận người lạ vào học nghề. Phần lớn, thợ sửa khóa đều là người quen biết hay có họ hàng với nhau.

Ông Hai Liêm cho biết, hơn 35 năm theo nghề, ông chỉ truyền nghề lại cho 4 người gồm: 2 người con trai, 1 đứa cháu họ và 1 người bạn thân. Tất cả đều được ông tìm hiểu kỹ về tư cách đạo đức. Đối với thợ sửa khóa Trần Văn Minh, ông chỉ truyền nghề lại cho con trai là Trần Minh Bình và Trần Minh Nhựt.

Ông Hai Liêm nói: “Trong quá trình sửa khóa, các khách hàng in chìa khóa mẫu vào cục xà bông, đất sét, vẽ trên giấy...dù tiền công cao đến đâu tôi cũng không làm. Vì nếu làm trúng cho kẻ gian khiến người khác mất của thì mình tội lắm”.

Thợ khóa Trần Văn Minh cho biết: “Tôi dặn các con tôi không làm cho khách hàng dưới tuổi vị thành niên. Khi mở khóa cho ai đó phải có người làm chứng, phải hỏi chủ nhà cho kỹ càng. Làm thợ sửa khóa ngoài đôi tay khéo léo và kinh nghiệm còn phải có đôi mắt sáng để cảnh giác trước kẻ xấu”.

Quá trình làm thợ sửa chìa khóa, ông Hai Liêm và ông Trần Văn Minh gặp khá nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ông Hai Liêm kể: “Lần đó, tôi đi mở khóa giúp cho một khách hàng là bác sĩ. Hỏi thăm biết chính xác là chủ nhà tôi mới tiến hành mở. Báo hại, khi mở xong bị bà vợ đến la um xùm còn bị công an mời lên làm chứng vì ông bác sĩ đó chở tài sản đi khi chưa chia tài sản xong sau ly dị.”.

Thợ sửa khóa Trần Văn Minh cho biết nghề sửa khóa của mình giống như nghề “làm dâu trăm họ”. Có lúc khách hàng nhờ đến nhà sửa khóa, sửa xong có người trả tiền công hậu hĩnh. Nhiều khi gặp khách hàng so đo, trả giá lại còn không nói một tiếng cám ơn cho phải đạo.

Chọn nghề không chút tiếng tăm và chẳng thể có cơ hội làm giàu nhưng những thợ sửa khóa vẫn yêu nghề và cần mẫn “gỡ gối cho người” vì lý do đơn giản “nghề nuôi được mình”.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn