Sự cần thiết ban hành Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Cập nhật ngày: 10/02/2014 05:15:01
Sau 6 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (2006) đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội (ASXH) của Nhà nước.
Quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH đã mang lại một số kết quả sau: Nhận thức của NLĐ, NSDLĐ và xã hội đã có những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện chính sách BHXH. Luật BHXH đã tạo điều kiện để mọi NLĐ đều có thể tham gia vào hệ thống BHXH với 2 hình thức BHXH bắt buộc và tự nguyện. Đối tượng tham gia BHXH tăng qua các năm: BHXH bắt buộc (6,7 triệu người năm 2006; 10,4 triệu người năm 2012 (tăng 1,5 lần); 10,9 triệu người năm 2013 (tăng 4,3% so với năm 2012); BHXH tự nguyện (6110 người năm 2008; 139.643 người năm 2012; 173.462 người năm 2013 (tăng 29,6% so với năm 2012).
Các chế độ BHXH được thiết kế phù hợp hơn, đảm bảo tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng, đã góp phần ổn định đời sống của người lao động trong quá trình làm việc và khi hết tuổi lao động. Việc giải quyết chi trả các chế độ BHXH cho NLĐ bảo đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ các đối tượng hưởng chế độ BHXH hàng tháng; hình thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH ngày càng được cải tiến, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH khi thụ hưởng các chế độ BHXH.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật BHXH cũng cho thấy có một số tồn tại, hạn chế cần được quan tâm, điều chỉnh về chính sách. Đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 10,8 triệu người và tự nguyện là 173 ngàn người, tỷ lệ tham gia còn thấp, chiếm khoảng 20% lực lượng lao động (LLLĐ). Điều này có nghĩa là trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu NLĐ bước vào tuổi nghỉ hưu không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước, đó là phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cho cuộc sống của họ (năm 2011 tổng số người từ 80 tuổi hưởng trợ cấp xã hội trở lên trên 1,3 triệu người, với kinh phí là 2.954 tỷ đồng).
Do vậy việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH phải được xem là ưu tiên hàng đầu của chính sách BHXH, mục tiêu tỷ lệ NLĐ tham gia BHXH đến năm 2020 có khoảng 29% dân số, chiếm 50% LLLĐ (theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020).
Để đạt được mục tiêu này là hết sức khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải có một lộ trình thực hiện mở rộng đối tượng với chỉ tiêu theo từng năm và đồng thời phải thực hiện sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ BHXH cả bắt buộc lẫn tự nguyện để chính sách này thu hút, hấp dẫn hơn với NLĐ ở cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH. Đến ngày 31/12/2013, tổng số nợ đọng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp là 6.449 tỷ đồng, chiếm 4,47% số phải thu, giảm 19,5% so với năm 2012. Việc NSDLĐ trốn đóng, chậm đóng BHXH vừa ảnh hưởng đến tình hình tài chính của quỹ BHXH, nhưng quan trọng hơn là làm cho NLĐ có nguy cơ không được thụ hưởng các chế độ ASXH, đặc biệt là chế độ bảo hiểm hưu trí do việc doanh nghiệp trốn đóng BHXH gây ra.
Nhìn chung, quá trình triển khai thi hành Luật BHXH (2006) đã cho thấy một số chính sách, chế độ BHXH cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu mới về phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục hoàn thiện dần từng bước các chính sách BHXH trong hệ thống các chính sách ASXH của Việt Nam. Trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi) cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và thông qua vào kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014). Với phạm vi tác động xã hội rộng lớn tới nhiều NLĐ làm việc trên các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, từ NLĐ đang làm việc tới NLĐ nghỉ hưu...
Do vậy, việc sửa đổi dự án Luật BHXH để đáp ứng được các nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, NLĐ, NSDLĐ, công đoàn và Nhà nước là không đơn giản. Nhiều phương án, đề xuất sửa đổi đã được nêu ra như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mở rộng đối tượng tham gia theo hình thức tự nguyện, tăng mức đóng BHXH, điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nhóm các đối tượng khác nhau,... Tuy nhiên việc đảm bảo hài hòa cân đối quỹ với mục tiêu mở rộng đối tượng, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH giữa các thời kỳ là hết sức khó khăn.
Luật BHXH (sửa đổi) đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận tập trung vào một số vấn đề như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng, nhóm đối tượng chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam hoặc ngược lại được tham gia BHXH; BHXH một lần; Phương thức thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: vấn đề mức tăng tuổi nghỉ hưu, lộ trình áp dụng và mối quan hệ với Điều 187 về tuổi nghỉ hưu của Bộ Luật lao động (2012); Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và quy định về tiền lương theo Điều 90 của Bộ Luật lao động (2012); Mức đóng - hưởng và tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện; Mô hình tổ chức quản lý BHXH, ứng dụng công nghệ thông tin và chi phí quản lý BHXH; Chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật BHXH và vấn đề thanh tra BHXH.
Đối với bất kỳ quốc gia nào, BHXH vẫn là trụ cột quan trọng nhất của hệ thống ASXH. Trải qua một quá trình lịch sử, cùng với thay đổi qua những thời kỳ khác nhau, nhìn chung chính sách BHXH tại Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc ổn định đời sống cho NLĐ thụ hưởng BHXH, góp phần ổn định chính trị - xã hội đất nước.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người trung bình khoảng 1.900 USD. Do vậy, việc cải thiện các chỉ số ASXH, trong đó việc mở rộng đối tượng và tăng cường tính bền vững của hệ thống BHXH có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, đây là bài toán không dễ dàng đối với các quốc gia đang ở trình độ phát triển thấp so với thế giới và có nguồn lực đầu tư cho ASXH còn hạn hẹp. Do vậy, việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trong thực hiện chính sách này cũng như việc tổng kết, đánh giá thực tiễn tình hình thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam sẽ là những thông tin hữu ích cho quá trình sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới.
Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cũng như các ý kiến tham vấn hữu ích các chuyên gia trong và ngoài nước, dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu, hoàn thiện để các chính sách mang tính khả thi cao và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Võ Văn Đề
(Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp)