Tài chính công đoàn - Vấn đề đang được các cấp Công đoàn quan tâm
Cập nhật ngày: 17/09/2014 05:04:17
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Công đoàn năm 2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Luật Công đoàn năm 2012 là cơ sở pháp lý cho hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, vấn đề mà không chỉ các cấp Công đoàn mà cả người sử dụng lao động đều quan tâm đó là kinh phí công đoàn. Theo Luật Công đoàn năm 2012 thì kể từ đầu năm 2013, tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương theo quy định của pháp luật (dù đã có thành lập công đoàn hay chưa) đều phải trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đoàn viên công đoàn đóng đoàn phí bằng 1% tiền lương.
Tập huấn công tác tài chính công đoàn cho cán bộ công đoàn
Là đoàn viên, hội viên đóng đoàn phí, hội phí theo tôn chỉ mục đích của tổ chức là chuyện đương nhiên, tuy nhiên với khoản kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp thì dù đã có nhiều đơn vị thực hiện nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn cho người thực hiện. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc sử dụng kinh phí này như thế nào và đối với đơn vị chưa thành lập Công đoàn thì việc quản lý, chi cho người lao động ra sao.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt nội dung thu chi kinh phí công đoàn theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và kết quả bước đầu thực hiện ở tỉnh ta như sau: Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau: kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có tuyển dụng, sử dụng lao động và trả lương theo quy định của pháp luật đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội; đoàn viên công đoàn đóng đoàn phí theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Ngoài ra còn có ngân sách nhà nước hỗ trợ và các khoản thu khác của công đoàn. Vấn đề chi tài chính Công đoàn cơ sở (CĐCS) được sử dụng 65% số thu kinh phí công đoàn, 60% số thu đoàn phí công đoàn, 100% số thu khác của đơn vị và CĐCS được sử dụng cho các khoản, mục chi như: lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn, đại hội, mua văn phòng phẩm, dụng cụ làm việc...
Đối với Công đoàn cấp trên (từ Trung ương đến Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở) gồm: Tổng LĐLĐ Việt Nam; LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương; LĐLĐ huyện, Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn khu công nghiệp... chỉ sử dụng có 35% kinh phí và 40% đoàn phí do CĐCS trích nộp lên để tổ chức bộ máy, thực hiện các chức năng nhiệm vụ của cấp mình, trả lương cán bộ công đoàn chuyên trách và hỗ trợ cho hoạt động của CĐCS khi cần thiết.
Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS thì Công đoàn cấp trên được phân cấp thu kinh phí công đoàn khi nhận được kinh phí của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng, được sử dụng 65% tổng số thu để chi cho hoạt động tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, ký thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ, chăm lo cho người lao động tại các đơn vị này.
Cuối năm số kinh phí sử dụng cho các hoạt động trên chưa hết chuyển thành tích lũy và trả lại cho CĐCS sau khi CĐCS của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thành lập. Đối với tỉnh ta việc này được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp giao trực tiếp cho Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện. Nếu cuối năm vẫn chưa thành lập được CĐCS thì tiếp tục chuyển năm sau để thực hiện chức năng này.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Luật Công đoàn tại địa phương, ngoài sự cố gắng tuyên truyền vận động của tổ chức công đoàn, UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện như Công văn số 05/UBND-DVCQ ngày 21/5/2013 về việc triển khai thực hiện Luật Công đoàn năm 2013; mới đây nhất là Công văn số 424 của UBND tỉnh về việc trích nộp kinh phí công đoàn. Để đảm bảo hiệu quả thu kinh phí công đoàn, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh cũng đã ký kết liên tịch với Cục Thuế tỉnh về vận động thu kinh phí công đoàn. Trên cơ sở đó, đến cuối 7/2014 tất cả các LĐLĐ huyện, thị, thành phố đều đã ký kết liên tịch với Chi cục Thuế về nội dung này.
Đến nay dù cũng còn một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất chưa thực hiện tốt kinh phí công đoàn, nhưng nhìn chung là công tác tài chính công đoàn có tiến triển tốt. Việc chi có trọng tâm, trọng điểm, hướng về cơ sở theo tinh thần Nghị quyết đại hội XI Công đoàn Việt Nam như tuyên truyền, đối thoại pháp luật, hội thi, hội thao, hội diễn, các hoạt động thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, tặng quà con công nhân viên chức lao động nghèo, hiếu học... được các cấp công đoàn liên tục tổ chức. Công tác thu cũng đạt kết quả tương đối tốt, đặc biệt đối với các đơn vị chưa thành lập CĐCS cũng đã thu được ở nhiều huyện, thị như TX.Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, Lấp Vò. Những kết quả bước đầu cho thấy công tác tài chính công đoàn phần nào đã tạo được sự yên tâm cho các đối tượng thực hiện.
Thanh Thảo