Tai nạn giao thông - để nỗi đau không lặp lại
Cập nhật ngày: 25/04/2014 06:38:35
Có những người đang trong tuổi ăn, tuổi học, là lao động chính trong gia đình, vậy mà tai nạn giao thông (TNGT) bất ngờ ập đến, họ ra đi đột ngột, con đường tương lai đành khép lại.
Hiện trường 1 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Tột cùng nỗi đau
Phía trước nhà anh Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ ấp 4, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh), giờ vẫn còn trơ những vệt sơn vẽ hiện trường tai nạn. Suốt 2 tháng mất con, những vết sơn ấy cứ ám ảnh vợ chồng anh mãi. Chuyện xảy ra vào buổi chiều giữa tháng 2/2014, chị Nguyễn Thị Thắm - vợ anh Tuấn đưa 2 đứa con qua bên kia đường để thả diều cùng bạn. Sau đó, Nguyễn Thị Trúc Uyên, 9 tuổi cùng mẹ qua đường (tỉnh lộ ĐT846) về nhà thì bất ngờ bị Lê Văn Chung điều khiển xe mô tô va vào Uyên và kéo lê em đi. Lao đến chỗ con nằm, bồng con lên, chị Thắm thấy con mình hướt lên một cái rồi ngất liệm. Bủn rủn tay chân, chị gào khóc kêu tên con rồi ngã khụy xuống đường. Với hy vọng còn nước còn tát, mọi người đưa em đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.
Đang giao hàng ở Campuchia thì anh Tuấn nhận định được hung tin vội vã trở về nhà. Khuya hôm đó, xe đưa thi thể Uyên về trước sự bàng hoàng của người cha khi vẫn còn chưa tin rằng đứa con mình yêu thương lại ra đi đột ngột.
“Tính đến hôm nay, Thùy Linh con tôi mất được 2 năm, 3 tháng, 17 ngày, không ngày nào mà tôi không nhớ con”. Nói đến đó, chú Nguyễn Văn Mẫn ngụ ấp Hòa Long, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh giàn giụa nước mắt. Không chỉ đếm từng tháng, từng ngày, kể từ khi con mất, mỗi ngày chú Mẫn đều xịt nước hoa lên bàn thờ, di ảnh con, khi thấy hoa trên bàn thờ con héo, chú liền thay hoa khác. Cứ mỗi lần nói về đứa con gái 20 tuổi của mình là chú khóc, khóc vì nhớ lại TNGT bất ngờ ập tới con gái mình, khóc vì chứng kiến trước sự ra đi quá nhanh của con.
Hôm ấy, Nguyễn Thị Thùy Linh, (SN 1992), sinh viên Trường Đại học Tài chính Marketing (TP.HCM) về nhà cúng giỗ ngoại. Chiều tối, Linh mượn xe ba đi ăn chè với bạn, trên đường về nhà, xe của Thùy Linh bị xe mô tô do Hà Phước Lộc, (SN 1992), ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình điều khiển đụng vào. Cú va chạm cực mạnh làm Linh bị hất tung ra xa, đầu đập xuống đường. Nguyên nhân do Lộc điều khiển xe đi không đúng phần đường quy định.
Ngày nhận hung tin, chú Mẫn hốt hoảng, thất thần rồi chạy một mạch vào bệnh viện, khi thấy con mình đã chết, chú Mẫn ngã khụy xuống, khóc gào trong nỗi đau tột cùng. Suốt cả chặng đường về nhà, chú ôm chặt thi thể con vào lòng, như không muốn xa rời con phút giây nào nữa. Hai năm trôi qua ngồi nói chuyện về Linh mà chú Mẫn cứ lấy tay vệt nước mắt: “Mỗi khi thấy con người ta đi học xa về thăm nhà là chú nhớ đến con, nhớ đến những ngày con từ TP.HCM về nhà, gia đình sum họp vui vầy. Mỗi khi đi trên đường thấy hình dáng ai giống con gái mình thì nhớ con vô cùng, tôi cố gượng nhưng không cầm được nước mắt”.
Để nỗi đau không lặp lại
Hôm biết Nguyễn Thị Trúc Uyên - học trò của mình chết do TNGT, cô Thái Thị Diễm Trang, giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Quý II, cảm thấy chới với, cô nói: “Nghe tin trò mình bị tử vong do TNGT, tôi thật sự bị sốc. Mong sao chúng tôi không còn phải chứng kiến những mất mát quá lớn do TNGT gây ra”. Nhìn ra tuyến tỉnh lộ ĐT846 (đoạn UBND xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh đi huyện Tháp Mười), Đại - công an viên, Công an xã Ba Sao cho biết, anh công tác chỉ mới 2 năm nhưng đã nhiều lần cùng đồng đội bảo vệ hiện trường, chứng kiến nhiều vụ TNGT đau lòng. Sở dĩ có những vụ tai nạn như vậy là do nhiều người chạy xe tốc độ cao, có trường hợp khi bị nạn cơ thể nồng nặc mùi bia, rượu.
TNGT hiện là nhân tố làm giảm hiệu quả giao thông, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của con người. Tại Đồng Tháp, hàng năm có khoảng 150 người tử vong, trên 10 ngàn người nhập viện do TNGT. Phần nhiều các vụ TNGT xảy ra đối với những người trong độ tuổi lao động từ 18 tuổi đến 55 tuổi, họ lại là lao động chính của gia đình. Nhiều lần đi cùng đoàn thăm hỏi những gia đình nạn nhân bị TNGT, chứng kiến nhiều hoàn cảnh đau thương do TNGT gây ra, ông Đinh Bá Việt - Phó Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh không khỏi chạnh lòng trước sự mất mát, tang thương, đau đớn của gia đình nạn nhân có người chết hoặc tàn tật suốt đời do TNGT.
Có nhiều gia đình đang từ cuộc sống sung túc, an vui, người trụ cột gia đình phải đi mưu sinh rồi bất ngờ chết hoặc tàn tật do TNGT dẫn đến gia đình lâm vào khó khăn, trở thành gánh nặng cho xã hội. Để kéo giảm số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh, theo ông Việt, hiện các cấp, các ngành có sự quan tâm, cộng đồng có sự chia sẻ trong việc cùng chung tay thực hiện an toàn giao thông, tuy nhiên, có lúc có nơi chưa kiềm chế TNGT như mong muốn mà nguyên nhân do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, dẫn đến TNGT.
Sắp tới, Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ tập trung nhiều giải pháp, cùng nhiều cấp, nhiều ngành chung tay thực hiện phòng ngừa TNGT để làm sao hoạt động an toàn giao thông trở thành hoạt động chung của cộng đồng thì mới có thể giảm được TNGT. Về phía cộng đồng phải có ý thức cao hơn, hành động và thực hiện an toàn giao thông cho chính mình và cho cộng đồng. Từ những yếu tố đó sẽ góp phần giảm đi những gia đình mất người thân, giảm đi những gia đình có kinh tế khá nhưng rồi trở nên kiệt quệ do TNGT.
Hữu Nghĩa
Theo ông Nguyễn Văn Cống - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, những sai phạm thường thấy khi tham gia giao thông hiện nay chủ yếu là thiếu ý thức, không tự giác thực hiện quy định của Luật Giao thông đường bộ như: đi sai phần đường, làn đường, lấn tuyến để vượt bất chấp các phương tiện đang lưu thông ngược chiều, cố gắng chạy nhanh đến mức có thể, điều khiển xe trong tình trạng say rượu, đi bộ qua đường tùy tiện,... những hành vi ấy không chỉ dễ gây TNGT mà còn là hành vi thiếu văn hóa, tạo nên tình trạng hỗn loạn trong giao thông hiện nay. |