Tam Nông nhiều cách làm sáng tạo giúp người dân thoát nghèo

Cập nhật ngày: 24/03/2021 14:07:59

ĐTO - Nếu như đầu năm 2016, toàn huyện Tam Nông có tới 4.282 hộ nghèo chiếm 14,22% thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 435 hộ nghèo, chiếm 1,54%. Theo ông Nguyễn Hùng Cường – Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông, để đạt được kết quả trên, huyện Tam Nông đã tập trung nhiều nguồn lực và triển khai kịp thời với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo thực hiện tốt công tác giảm nghèo.


Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn thoát nghèo nhờ đan lục bình

Cụ thể, huyện Tam Nông đã tập trung vào 3 lĩnh vực chính: tín dụng chính sách, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, nhất là chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bình quân mỗi năm, huyện mở khoảng 35 lớp dạy nghề cho gần 1.000 lượt học viên tham gia.

Mỗi năm, huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm và các công ty giới thiệu cho hàng ngàn lao động có việc làm ổn định. Theo thống kê, năm 2020 trên 80% lao động của huyện có việc làm ổn định. Hiệu quả nhất là dạy nghề theo đơn đặt hàng cho các công ty, doanh nghiệp, có 100% lao động có việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2020, toàn huyện có 705 lao động đi làm việc có thời hạn ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi lao động gửi về gia đình hàng tháng từ 22 – 25 triệu đồng, nhiều gia đình xây được nhà cửa khang trang, mua thêm đất sản xuất, vươn lên khá giả.

Với quan niệm “An cư mới lạc nghiệp”, Tam Nông đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Giai đoạn 2016 – 2020, từ nguồn hỗ trợ vay vốn về nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33, huyện đã tận dụng các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương và các mối quan hệ để vận động những nhà hảo tâm cất mới gần 1.300 căn nhà và sửa chữa 300 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn với tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng.

Là hộ nghèo nhiều năm, nhà ở xiêu vẹo, dột nát, sau đó nhờ chí thú làm ăn và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính đã thoát nghèo và cất được ngôi nhà khang trang. Anh Tuấn chia sẻ: “Nhà tôi cất đến nay đã tròn 1 năm, thế nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa hết vui mừng và cứ ngỡ như mơ. Nhà này tôi cất tổng cộng 250 triệu đồng, trong đó tôi được vay 50 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ nhà ở và 20 triệu đồng từ nguồn vay hỗ trợ nhà vệ sinh và nước sạch của Hội phụ nữ, phần còn lại do vợ chồng tôi tích góp được. Trước đây, gia đình tôi khó khăn lắm, vợ chồng đi làm thuê, mấy năm nay nhờ học được nghề đan lục bình nên có việc làm ổn định. Hiện thu nhập của vợ chồng bình quân được trên 300 ngàn đồng/ngày”.

Công tác tín dụng chính sách được huyện triển khai kịp thời, hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, Tam Nông đã triển khai cho vay ưu đãi với số tiền trên 118 tỷ đồng cho gần 6.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Bình quân mỗi năm có hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được thoát nghèo nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Anh Nguyễn Thanh Bình ở ấp K9, xã Phú Đức là 1 trong những hộ đã vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay chính sách hiệu quả. Được biết, gia đình anh Bình không có ruộng đất, vợ chồng anh đi làm thuê nuôi 3 con nhỏ ăn học. Mặc dù rất siêng năng nhưng việc làm thuê bấp bênh nên gia cảnh luôn thiếu trước hụt sau. Năm 2015, anh Bình được hỗ trợ vay vốn 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã mạnh dạn mua bò về nuôi. Sau hơn 1 năm chăn nuôi hiệu quả, anh tích lũy được hơn 35 triệu đồng. Số tiền tích lũy được từ nuôi bò, anh quyết định thuê 3 công đất để trồng thanh long ruột đỏ. Nhờ cần cù chăm sóc và chịu khó học hỏi kinh nghiệm, 500 gốc thanh long của anh chuẩn bị cho ra trái đợt 2; đợt 1 trừ chi phí anh lãi được hơn 30 triệu đồng. Theo anh Bình, mỗi năm thanh long cho thu hoạch trái 5 đợt, nếu giá cả ổn định, 500 gốc thanh long của anh sẽ cho lãi trên 150 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tam Nông chia sẻ, ngoài 3 công tác trọng tâm trên, công tác hỗ trợ về giáo dục và y tế như miễn giảm học phí, tặng học bổng, tặng thẻ bảo hiểm y tế,... cũng được huyện quan tâm. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, thời gian tới, Tam Nông tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò các tổ chức, đoàn thể đối với công tác giảm nghèo; đồng thời chỉ đạo các cấp, các tổ chức chính trị xã hội phát huy mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, tập trung giảm nghèo bền vững.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn