Tầm quan trọng phát hiện và can thiệp sớm trẻ em khuyết tật

Cập nhật ngày: 24/11/2014 13:32:12

Trẻ bị khuyết tật thường để lại những thương tật thứ phát về sau tùy vào mức độ và nhóm khuyết tật. Những ảnh hưởng đó không chỉ cho bản thân, gia đình người khuyết tật mà còn cho toàn xã hội. Vì vậy, cần phát hiện sớm những trẻ có yếu tố nguy cơ bị khuyết tật để có biện pháp can thiệp sớm. Tất cả trẻ em từ 0-6 tuổi trong cộng đồng là đối tượng cần được phát hiện và can thiệp sớm.

Đối với trẻ khuyết tật: Nếu được phát hiện sớm, phục hồi tốt thì có nhiều cơ hội để phát triển các kỹ năng gần như trẻ bình thường (như trẻ chậm phát triển vận động hay ngôn ngữ so với tuổi), trẻ khuyết tật nặng cũng được phục hồi không dẫn đến các khuyết tật thứ phát, các kỹ năng được cải thiện nhiều và có thể hội nhập xã hội (như trẻ bại não thể co cứng nặng sẽ không bị co rút biến dạng khớp...).

Đối với cha mẹ trẻ khuyết tật: Can thiệp sớm giúp cha mẹ biết cách chăm sóc, hàng ngày duy trì tư thế đúng, bế ẵm và tập luyện cho trẻ. Can thiệp sớm cha mẹ sẽ có kỹ năng xử trí với các vấn đề của trẻ, giúp cha mẹ dễ chấp nhận khuyết tật của trẻ do phải đối mặt với các vấn đề về cảm xúc. Ngoài ra, can thiệp sớm giúp cha mẹ trẻ tiếp cận thông tin tốt hơn về chẩn đoán, về nguyên nhân khuyết tật, hiểu biết về sự phát triển bình thường của trẻ, hệ thống cung cấp dịch vụ hiện có và làm thế nào để kích thích sự phát triển đang bị chậm hoặc rối loạn của trẻ.

Đối với gia đình: Can thiệp sớm giúp anh chị em ruột của trẻ có thái độ và hành vi đúng mức với các vấn đề của trẻ. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cùng đồng cảm và chia sẻ những khó khăn của trẻ.

Đối với xã hội: Can thiệp sớm giúp xã hội nhận thức được thực tế nhiều trẻ có vấn đề về phát triển trong cộng đồng và quyền được hỗ trợ chúng, bên cạnh đó can thiệp sớm cũng làm tăng cơ hội tiếp cận giáo dục của trẻ và do vậy sẽ làm giảm các chi phí xã hội hoặc trợ cấp xã hội.

CL

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn