Tăng cường công tác chủ động phòng, chống thiên tai
Cập nhật ngày: 15/09/2023 11:19:46
ĐTO - Thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trên địa bàn tỉnh được các ngành, địa phương chủ động thực hiện. Tuy nhiên, thực tế công tác này vẫn còn một số khó khăn nhất định. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh (bên phải) kiểm tra công tác bảo vệ phòng, chống thiên tai ở huyện Tam Nông (Ảnh: CTTĐT-ĐT)
Phóng viên (P.V): Xin ông cho biết, hiện nay, Đồng Tháp có những khó khăn gì trong công tác phòng, chống thiên tai?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: thời gian qua, Đồng Tháp luôn coi trọng công tác phòng, chống thiên tai. Theo đó, Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu - PCTT&TKCN các cấp đều xây dựng phương án, tổ chức diễn tập các tình huống ứng phó thiên tai tuy nhiên, thiệt hại về người và tài sản vẫn còn xảy ra. Một trong những nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nhà ở có nguy cơ mất an toàn với 104.296 căn trong tổng số 441.419 căn nhà (chiếm 23,6%) nên khi mưa lớn kèm giông lốc khả năng làm nhà sập và tốc mái là rất cao. Các trường hợp nhà sập, tốc mái phần lớn là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, do tập quán người dân sống ven sông, kênh, rạch hoặc những nơi xung yếu để gắn liền với sinh kế (nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp...) nên bà con thường cất nhà trên cọc, nhà cửa tạm bợ, không được gia cố hàng năm dẫn đến gia tăng rủi ro khi thiên tai xảy ra. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa chủ động trong việc chằng chống nhà cửa, gia cố kết cấu hạ tầng phòng, chống gió mạnh, giông lốc, áp thấp nhiệt đới, bão nên thiệt hại xảy ra còn nhiều.
Đa số các xã, phường, thị trấn chưa xây dựng các phương án ứng phó thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai cho các công trình, vùng trọng điểm. Công tác chuẩn bị theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng” ứng phó thiên tai chưa thực sự được quan tâm đúng mức... Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT&TKCN chưa thường xuyên; nguồn lực khắc phục hậu quả do thiên tai còn khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
P.V: Ông có thể cho biết thêm về những giải pháp được tỉnh triển khai nhằm giảm thiểu thấp nhất tác động bất lợi của thiên tai, nhất là công tác phòng, chống sạt lở?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: Nhằm giảm thiểu thấp nhất tác động bất lợi của thiên tai, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với công tác phòng sạt lở bờ sông, ngoài việc thực hiện các giải pháp theo khuyến cáo của Dự án đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Sở NN&PTNT đang đề xuất UBND tỉnh chủ trương cho thuê tư vấn thực hiện Đề án điều tra, đánh giá, thiết lập hành lang sạt lở sông, kênh, rạch nội đồng trên địa bàn tỉnh làm công cụ cảnh báo, dự báo cho cơ quan chuyên môn, các địa phương. Đồng thời làm cơ sở tuyên truyền cho người dân hiểu rõ và nhận thức đầy đủ hơn về sạt lở sông, kênh, rạch nội đồng.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023). Theo đó, phát động thực hiện trồng khoảng 115.800 cây bần tại 107 tuyến bờ sông, kênh, rạch... có nguy cơ sạt lở trên địa bàn 30 xã thuộc các huyện: Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và TP Sa Đéc. Tổng chiều dài tuyến trồng cây khoảng 247.900m...
UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện giao các ngành chuyên môn phối hợp với UBND xã tổ chức theo dõi, cắm biển báo tại các khu vực sạt lở và tuyên truyền để Nhân dân biết chủ động phòng tránh; Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu, PCTT& TKCN tỉnh tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương (đặc biệt tình hình sạt lở bờ sông) và chỉ đạo các giải pháp khắc phục; Sở NN&PTNT phối hợp với các huyện, thành phố xác định vành đai các khu vực sạt lở, làm cơ sở cho việc di dời dân đến nơi an toàn.
Sở NN&PTNT kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - PCTT&TKCN tỉnh ban hành các văn bản, công điện về chủ động, ứng phó khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
P.V: Trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị và người dân cần làm gì để ứng phó trước tác động của thiên tai đến sản xuất và đời sống, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh: Để giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra những hiện tượng thời tiết thiên tai cực đoan trong thời gian tới, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần thực hiện các giải pháp, cụ thể:
Một là, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 438/UBND-KT ngày 20/4/2023 của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, giông lốc, sét, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông và thời tiết nguy hiểm năm 2023, Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 6/7/2023 về tăng cường công tác chủ động phòng, chống thiên tai và sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để các ngành, các cấp và người dân biết chủ động phòng ngừa, ứng phó.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh mưa lớn, giông, lốc, sấm sét, chằng chống nhà cửa...; truyền phát kịp thời các tin tức, dự báo, cảnh báo về mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới và các quy định của Nhà nước về công tác PCTT&TKCN.
Bốn là, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của các ngành chức năng về những việc nên và không nên làm để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông, số hộ dân đang sinh sống ở ven sông, kênh rạch, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập lũ. Đồng thời chủ động chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây cối gần nhà ở, lưới điện; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa-nô, áp-phích, các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các dàn giáo của công trình cao tầng đang thi công; thực hiện chằng chống gia cố nhà cửa và các công trình kết cấu hạ tầng, công trình công cộng, kho do tổ chức, cá nhân quản lý.
Cuối cùng là thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp phòng, tránh và ứng phó hiệu quả.
P.V: Xin cảm ơn ông!
MỸ NHÂN (thực hiện)