Tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng cơ bản trong ngành giáo dục Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 24/10/2012 14:37:51

Ngành giáo dục là một trong những ngành có công tác xây dựng cơ bản khá lớn. Hầu hết các công tác xây dựng cơ bản trong ngành do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là chủ đầu tư, vì vậy công tác quản lý chất lượng công trình luôn được sở quan tâm và có nhiều cố gắng trong công tác quản lý chất lượng. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn bất cập, yếu kém cần được rút kinh nghiệm.

Theo Sở GD&ĐT, hàng năm căn cứ quy chế phối hợp Sở GD&ĐT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh (gọi tắt là ban QLDA tỉnh) đều tiến hành thực hiện từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc thực hiện đầu tư các công trình do Sở làm chủ đầu tư.

Với vai trò là chủ đầu tư, trong thời gian qua Sở GD&ĐT đã phối hợp tốt với Ban QLDA tỉnh cùng bàn bạc tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành dự án, tạo điều kiện cho các bên tham gia dự án hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ đầu tư thực hiện công tác giám sát thường xuyên, góp ý kịp thời các sai sót để chấn chỉnh ngay, không để kéo dài, đảm bảo chất lượng và đúng trình tự thủ tục xây dựng cơ bản theo quy định. Chủ đầu tư phối hợp với Ban QLDA tỉnh tham gia các khâu theo quy định của quy chế phối hợp. Trong 2 năm qua, để hạn chế nhà thầu không đủ năng lực tham gia các gói thầu xây lắp và thiết bị các công trình dự án, Sở đã đưa ra tiêu chí xét thầu “nhà thầu bị phạt trễ hợp đồng từ 2 hợp đồng trở lên trong 3 năm gần nhất” sẽ bị loại.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, yếu kém trong quá trình thi công những công trình xây dựng cơ bản của ngành giáo dục như: hầu hết các công trình, dự án đều không thực hiện đúng thời gian quy định và một số phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tập trung. Nguyên nhân do một số công trình, dự án mặt bằng giải tỏa có tranh chấp dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện; một số đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, tư vấn thử tải, năng lực yếu nên hồ sơ lập còn nhiều sai sót, thời gian xử lý kéo dài, việc nghiệm thu sản phẩm thiết kế, thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán, lập hồ sơ mời thầu, xét thầu các công trình thực hiện chưa tốt, còn thiếu sót, dẫn đến công trình khi thi công mất thời gian chờ điều chỉnh bổ sung; một số công trình, dự án không tính toán đủ chi phí dự phòng, nên khi có phát sinh và trượt giá phải điều chỉnh tổng mức, dự án bị động; do không có sự đầu tư đồng bộ giữa ngành điện, nước nên một số công trình trường học khi xây dựng xong lại phải xin bổ sung hệ thống điện và cấp nước bên ngoài, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và tăng chi phí dự án, một số nhà thầu thi công năng lực yếu, khi triển khai thi công công trình một thời gian thì bỏ thầu không xây dựng nữa; chất lượng thi công một số công trình còn chưa đạt yêu cầu do một số nhà thầu thi công năng lực chuyên môn yếu; cán bộ giám sát của Ban QLDA tỉnh do giám sát nhiều công trình nên dẫn đến bỏ sót một số chi tiết thi công không đạt yêu cầu về chất lượng và mỹ quan, nhà thầu phải điều chỉnh lại, việc chọn vật liệu xây dựng, thiết bị sử dụng cho công trình chưa phù hợp nên khi đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã hư hỏng...

Để thực hiện tốt vai trò chủ đầu tư và khắc phục những khó khăn tồn tại của công tác này, Sở GD&ĐT đề ra một số giải pháp khắc phục như: phối hợp với Ban QLDA tỉnh tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ tất cả các khâu, xử lý nghiêm các cá nhân thuộc Chủ đầu tư Ban QLDA tỉnh và đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng nếu để xảy ra sai sót và làm chậm tiến độ thực hiện của dự án. Chủ đầu tư và Ban QLDA phối hợp nghiên cứu bổ sung các tiêu chí xét thầu, nhằm hạn chế các nhà thầu không đủ năng lực và uy tín tham gia. Đối với các công trình, dự án phải bồi thường, giải phóng mặt bằng thì tách công tác bồi thường để thực hiện trước, lựa chọn thiết bị có chất lượng cao, không bố trí cán bộ giám sát nhiều công trình để đảm bảo chất lượng...

DT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn