Tăng cường quản lý dịch vụ cầm đồ, đòi nợ

Cập nhật ngày: 17/02/2014 03:54:25

Thời gian qua, công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các hoạt động này có biểu hiện không lành mạnh, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là cầm tài sản nhưng không kiểm tra nguồn gốc và giấy tờ nhân thân của người cầm cố; biến tướng cho vay với lãi suất cao, còn gọi là “tín dụng đen”; để ngoài sổ sách để trốn thuế; kinh doanh cầm đồ không giấy phép; chưa thực hiện đầy đủ quy định về báo cáo và cung cấp thông tin. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật; các cơ quan chức năng chưa thường xuyên kiểm tra chấn chỉnh, xử lý vi phạm; chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ khâu đăng ký kinh doanh đến việc xem xét các điều kiện về an ninh trật tự.

Để chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các các sở, ngành tỉnh; các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ này chấp hành nghiêm các quy định về thủ tục, nội dung đăng ký kinh doanh và kiểm tra chặt chẽ các điều kiện về an ninh trật tự.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ và phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội lợi dụng lĩnh vực này, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức tổng kiểm tra việc chấp hành quy định đối với các cơ sở kinh doanh loại hình này và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ quản lý cơ sở kinh doanh hoặc phụ trách địa bàn có cơ sở kinh doanh dịch cầm đồ, dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh. Khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý và xử lý nghiêm vi phạm.

Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ, nắm chắc tình hình nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể quan tâm phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ và tích cực tố giác các hành vi vi phạm.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự được quy định tại Nghị định số 72/2009 của Chính phủ và Thông tư số 33/2010 của Bộ Công an. Để công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, cần phải có sự tập trung, nỗ lực và cộng đồng trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân.

H.H

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn