Lai Vung

Tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức về lựa chọn giới tính

Cập nhật ngày: 08/06/2015 13:27:21

Trước thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Lai Vung đã và đang triển khai nhiều giải pháp truyền thông để góp phần hạn chế tình trạng trên.


Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia định huyện Lai Vung truyền thông tại các xã có mức sinh cao

Thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện vào cuối năm 2014, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trong toàn huyện ở mức 115 bé trai/100 bé gái, 8 xã có tỷ số giới tính khi sinh cao: Tân Dương 350/100; Long Hậu 340/100; Tân Phước 114/100; Tân Hòa 133/100; Phong Hòa 140/100, Long Thắng 175/100, Hòa Long 150/100, Hòa Thành 267/100. Những năm trước đây, tỷ lệ giới tính khi sinh của huyện ở mức cho phép 101 bé trai/100 bé gái (năm 2012), 107 bé trai/100bé gái (năm 2013). Đến cuối tháng 4/2015, tỷ lệ chênh lệch giới tính trong toàn huyện là 122 bé trai/100 bé gái.

Theo khảo sát của Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh là người dân vẫn còn tư tưởng coi trọng con trai hơn con gái, sinh con trai để nối nghiệp; nhiều người có kinh tế ổn định có suy nghĩ 2 con là quá ít nên sinh thêm con, đã sinh phải chọn sinh con trai, hoặc những vợ chồng có đủ 2 con nhưng là con gái thì lại muốn sinh thêm để có con trai. Chị Trần Ngọc Quyên ấp Tân Phong, xã Phong Hòa cho biết: “Vợ chồng tôi mới cưới được 2 năm. Tuy mới sinh con đầu lòng nhưng cả nhà ai cũng muốn tôi sinh con trai. Hiện tôi đang mang thai cháu trai 7 tháng tuổi. Tôi có nghe nói về mất cân bằng giới tính, cũng thấy lo, nhưng mà tôi vẫn thích sinh con trai hơn”. Còn chị Lê Thị Thơm ngụ ấp Hòa Định, xã Tân Hòa chia sẻ: “Ban đầu tôi định sinh một con thôi nhưng vì tôi sinh con gái nên ông bà mong tôi có con trai, tôi sinh lần hai vẫn là con gái. Do áp lực từ ông bà nên tôi quyết định sinh một đứa con nữa...”

Thời gian qua, ngành dân số huyện đã tăng cường tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi tư tưởng của người dân. Tuy nhiên, những tư tưởng đó đã ăn sâu trong dân, muốn thay đổi không phải việc làm một sớm một chiều. Công tác truyền thông gặp khó khăn do người dân lo làm ăn, tham gia không đầy đủ các buổi truyền thông, có người khi tham gia vẫn lắng nghe nhưng việc thay đổi nhận thức thì chưa; lực lượng cộng tác viên (CTV) còn việc gia đình, kinh phí cho CTV quá ít, một số người chưa mặn mà với công tác dân số nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã truyền thông 68 cuộc với 1.448 người tham dự. Tại những xã có mức sinh cao, Trung tâm tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề: những hệ lụy của việc lựa chọn giới tính khi sinh con, giải thích cho người dân tư tưởng coi trọng con trai đã lỗi thời, không thể áp dụng vào xã hội hiện nay để người dân thấy và thay đổi nhận thức; trang bị máy chiếu, phát hàng ngàn tờ rơi để tuyên truyền trực quan sinh động giúp người dân nắm và hiểu sâu vấn đề. Tại các cuộc họp của các đoàn thể, các CTV dân số tuyên truyền không nên sinh con thứ 3, chỉ dừng lại từ 1 đến 2 con. Hàng tháng, CTV dân số đến gia đình tư vấn cho các chị trong độ tuổi sinh đẻ các biện pháp tránh thai hiện đại, tư vấn, giải đáp cho các chị về không lựa chọn giới tính  khi sinh, về sức khỏe sinh sản nhưng ngại không dám đến cơ sở y tế để được tư vấn,... Ông Bùi Minh Tiến – Trưởng Ban Truyền thông Trung tâm DS-KHHGĐ huyện nói: “Vấn đề nổi cộm trong công tác dân số của huyện hiện nay là tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, kế hoạch năm 2015 tổ chức trên 800 cuộc truyền thông; nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới; tăng cường kiểm soát và xử phạt đối với cán bộ y tế có những thủ thuật can thiệp đến giới tính của thai nhi...”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn