Tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Cập nhật ngày: 21/02/2022 12:53:59

(Phỏng vấn bà La Thị Út - Trưởng Phòng Quản lý thu – Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đồng Tháp)

PV: Được biết từ ngày 1/1/2022, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được ngân sách Nhà nước tăng mức hỗ trợ đóng BHXH. Xin bà cho biết cụ thể?


Bà La Thị Út - Trưởng Phòng Quản lý thu - Bảo hiểm Xã hội tỉnh

Bà La Thị Út (L.T.U.): Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo. Cụ thể: đối với người tham gia thuộc hộ nghèo số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); với hộ cận nghèo số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và các đối tượng khác số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).

PV: Như vậy, mức đóng của người tham gia có tăng không, tăng như thế nào?

Bà L.T.U.: Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Từ ngày 1/1/2022, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ thay đổi. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng).

Đối với mức đóng tối đa, đến nay do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng, vì thế mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng (20 lần mức lương cơ sở).

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Nhà nước tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện theo từng nhóm đối tượng theo tỷ lệ hộ nghèo 30%, hộ cận nghèo 25%, hộ khác 10%. Nên hiện tại, mức đóng thấp nhất hiện nay chỉ có 297.000 đồng/tháng. Như vậy mỗi ngày, chúng ta chỉ cần để dành 10.000 đồng thì cuối tháng sẽ đủ để đóng 1 tháng tham gia BHXH tự nguyện.

PV: Đối với những trường hợp người tham gia đã đóng trước đó theo phương thức trên 1 tháng thì có phải điều chỉnh mức đóng không?

Bà L.T.U.: Khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

PV: Khi mức đóng tăng thì người tham gia được hưởng những quyền lợi gì?

Bà L.T.U.: Về nguyên tắc khi mức đóng cao thì người đóng sẽ có mức hưởng cao hơn. Về quyền lợi thì hiện nay theo quy định người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng 2 quyền lợi chính đó là hưu trí và tử tuất, bên cạnh đó khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng người dân còn được cấp miễn phí 1 thẻ BHYT sử dụng đến trọn đời.

PV: Muốn đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện người dân liên hệ ở đâu?

Bà L.T.U.: Để được tham gia BHXH tự nguyện, người dân đến UBND xã, phường hoặc hệ thống đại lý thu Bưu điện văn hóa xã, phường gần nhất để được hỗ trợ. Mọi chi tiết thắc mắc, người tham gia có thể liên hệ cơ quan BHXH tỉnh Đồng Tháp, địa chỉ số 17 đường Lý Thường Kiệt, Phường 1, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, số điện thoại: 0277.3852.781, hoặc liên hệ cơ quan BHXH nơi gần nhất để được giải đáp.

PV: Xin cảm ơn bà!

V.H (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn