Huyện Cao Lãnh

Tạo việc làm cho người lao động nông thôn

Cập nhật ngày: 08/10/2014 14:09:22

Từ năm 2009 đến nay, huyện Cao Lãnh đã tạo việc làm cho 43.705 lao động thông qua các tổ tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn, giúp lao động nông thôn có thu nhập, hạn chế tình trạng thất nghiệp...


Lao động nông thôn tại huyện Cao Lãnh làm việc trong các cơ sở may

UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra nhiều giải pháp cho công tác dạy nghề. Các ngành, đoàn thể, huyện, trung tâm dạy nghề đã mở 242 lớp nghề nông thôn từ sơ cấp đến trung cấp nghề gồm: sửa kiểng bonsai, đan lục bình, bẹ chuối, điện công nghiệp, điện dân dụng, may dân dụng, may công nghiệp tạo việc làm cho 5.927 lao động tại các xã, thị trấn.

Mỗi xã, thị trấn của huyện đều có các tổ tư vấn, giới thiệu việc làm - là cầu nối giữa người lao động và đơn vị tuyển dụng, đơn vị đào tạo nghề. Tổ tư vấn giới thiệu việc làm có nhiệm vụ nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu học nghề của người dân tại địa phương đề xuất với UBND xã, Trung tâm dạy nghề cấp huyện, đơn vị tuyển dụng lao động mở các lớp nghề tại địa phương. Việc mở lớp sẽ dựa trên nhu cầu học nghề của người dân trong xã, thị trường tiêu thụ sản phẩm như đan lục bình tại xã Nhị Mỹ, Ba Sao, Mỹ Thọ; nghề sửa kiểng bonsai tập trung tại xã Bình Thạnh, Mỹ Hiệp; nghề may dân dụng, may công nghiệp mở tại thị trấn Mỹ Thọ, xã Ba Sao...

Huyện đoàn Cao Lãnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cao Lãnh rất tích cực trong công tác tư vấn, vận động người lao động học nghề, mở các lớp nghề cho người dân nông thôn. Tại xã Bình Thạnh, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên xã Bình Thạnh phân công thành viên trong tổ tư vấn việc làm đến gặp gỡ thanh niên tại các ấp, tư vấn việc làm, chia sẻ kỹ thuật nuôi trồng thông qua các mô hình thí điểm. Đối với các hộ không có đất sản xuất thì tư vấn tìm việc làm tại các khu, cụm công nghiệp hoặc đến học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp. Đối với những hộ thiếu vốn thì ưu tiên xét hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn các mô hình hiệu quả để người lao động tìm hiểu tham gia. Với cách làm này, toàn xã có gần 100 hộ được tư vấn, gần 50 hộ có việc làm, có 16 hộ thanh niên được vay vốn với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Công tác khảo sát, định hướng việc làm cho người lao động được UBND huyện chỉ đạo các đơn vị thực hiện thường xuyên, thông qua việc điều tra cung cầu lao động hàng năm, chọn những đối tượng có nhu cầu tìm việc để tư vấn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến địa phương tham gia tư vấn nghề. Tại các hội chợ, phiên chợ việc làm cấp tỉnh, huyện đều vận động thanh niên, người lao động tham gia. Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện Cao Lãnh có 30 thanh niên được xét tuyển tham gia thực tập sinh tại Nhật Bản.

Mỗi năm, huyện Cao Lãnh phấn đấu tạo việc làm cho 7.000 lao động (tham gia xuất khẩu lao động, học nghề). Hiện nay, huyện đang kiện toàn lại tổ tư vấn, việc làm tại các xã, thị trấn, thực hiện ký kết liên tịch giữa các hội đoàn thể trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Để tránh lãng phí trong công tác đào tạo nghề, tư vấn việc làm, mỗi xã, thị trấn thực hiện bước thẩm định nơi tiêu thụ sản phẩm, đánh giá hiệu quả việc làm, thu nhập sau khi học nghề, thành lập tổ hợp tác sản xuất... mới tiến hành mở lớp, không mở lớp nếu thiếu các bước đánh giá khảo sát. Bên cạnh đó, việc liên kết với các doanh nghiệp tư nhân trong việc đào tạo nghề, tuyển dụng lao động gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ, may mặc cũng được UBND xã, thị trấn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, hội đoàn thể tăng cường thực hiện.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn