Thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh

Cập nhật ngày: 21/01/2024 06:24:27

ĐTO - UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) có 32 thành viên. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban; Giám đốc Công an tỉnh làm Phó trưởng Ban Thường trực; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Phó Giám đốc Công an tỉnh phụ trách công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ làm Phó trưởng Ban. Công an tỉnh là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng, chỉ đạo điều hành toàn diện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ chương trình, kế hoạch và hoạt động của Ban Chỉ đạo. Xác định nội dung trọng tâm về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ, sự cố, tai nạn và cháy rừng. Đồng thời, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tham gia xử lý tình huống cháy, nổ và sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận khi có yêu cầu.

Phối hợp, tổ chức nghiên cứu, đề xuất xây dựng các dự án đầu tư trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện bảo đảm để đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo xây dựng, củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; thực hiện có hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Huy động xã hội hoá hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phối hợp tham gia và hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với công tác này. Tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy - 4/10” hàng năm trên địa bàn tỉnh đảm bảo thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và tình hình thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời về tình hình, kết quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của bộ, ngành Trung ương.

PT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn