Tháp Mười: Nhiều chương trình dự án dành cho người nghèo

Cập nhật ngày: 06/05/2015 13:57:09

Năm 2014, Trường Trung cấp nghề Tháp Mười, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các hội đoàn thể đã mở 43/34 nghề cho lao động nông thôn với hơn 1.000 học viên tham gia học, đạt 126,47% so với kế hoạch, có 80% người lao động sau khi học nghề tự tìm được việc làm. Ngoài ra, UBND huyện cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến mở cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, từ đó tạo việc làm cho người lao động. Tại khóm 1, khóm 2, khóm 3, thị trấn Mỹ An còn có gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, vừa, nhỏ thu hút hàng ngàn lao động tham gia. Trong năm 2014, có gần 5.000 lao động đã được giới thiệu, giải quyết việc làm trong, ngoài huyện ổn định cuộc sống.

Lao động huyện Tháp Mười ổn định thu nhập khi làm công nhân

Giúp đỡ đoàn viên thoát nghèo bền vững, Huyện đoàn Tháp Mười phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức 432 buổi hội thảo chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, tập huấn chăn nuôi lươn, tôm, ếch, heo theo hướng an toàn sinh học, có 3.015 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia; thành lập mới 7 tổ kinh tế hợp tác, nâng tổng số mô hình tổ kinh tế hợp tác của huyện lên 30 tổ, 332 thành viên hoạt động thường xuyên với thu nhập bình quân mỗi lao động từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày. Ngoài ra, còn giúp đỡ thanh niên thoát nghèo với hình thức hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cho vay vốn, giới thiệu việc làm. Qua các hoạt động, từ năm 2013 đến nay có 108 thanh niên thoát nghèo...

Năm 2015, huyện Tháp Mười tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án dành cho người nghèo, với chỉ tiêu mở hơn 30 lớp nghề nông thôn nông nghiệp dành cho những lao động không thể đi làm xa; tạo cơ hội việc làm khoảng 4.000 lao động trong, ngoài tỉnh qua việc vận động lao động tham gia phiên giao dịch việc làm; tạo điều kiện cho công ty, doanh nghiệp đến địa phương tư vấn; nhân rộng những mô hình làm kinh tế mang lại hiệu quả cao, phù hợp với trình độ lao động tại địa phương. Các mô hình được huyện chọn, duy trì, mở rộng gồm: mô hình cho vay tổ hợp tác gia công và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc và sản xuất bánh rế; mô hình cho vay mua dụng cụ liên kết thợ công nhân xây dựng; mô hình nuôi ếch, cá kết hợp với lươn, ba ba; mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây hàng năm, cây lâu năm; mô hình tổ nông vụ máy sạ lúa và phun xịt thuốc; mô hình 2 hộ giàu giúp 1 hộ nghèo... Các xã, thị trấn trong huyện tiếp tục tư vấn, vận động đưa 52 lao động tham gia xuất khẩu lao động tại các nước: Nhật, Đài Loan, Malaysia...

C.Phương

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn