Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội

Cập nhật ngày: 16/09/2020 15:46:20

ĐTO - Hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không ngừng phát triển và ngày càng ổn định, qua đó giúp nhiều hộ nghèo, khó khăn phát triển kinh tế góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.


Chăn nuôi bò từ vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 5/2020, nhờ tín dụng CSXH đã giúp cho hơn 41.500 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, mở rộng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ gần 10% (đầu năm 2016) xuống còn 2,7% (cuối năm 2019). Các hoạt động tín dụng CSXH nổi bật như: tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh (HS), sinh viên (SV),...

Cụ thể, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức đoàn thể chính trị, người dân đã được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn hiệu quả thông qua nhiều mô hình phát triển kinh tế: chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ,... Đặc biệt, với điều kiện của Đồng Tháp, thời gian qua, mô hình hỗ trợ vốn để hộ nghèo phát triển chăn nuôi bò đã thật sự phát huy hiệu quả. Không ít hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên khá giả với mô hình này.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hải (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) trước đây thuộc diện hộ nghèo không đất sản xuất, vợ chồng anh làm thuê nuôi 2 con ăn học và mẹ già bị tai biến. Cách đây 3 năm, vợ chồng anh được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ Chương trình giảm nghèo bền vững để nuôi bò vỗ béo và thuê đất làm ruộng, trồng rẫy, đồng thời được hỗ trợ vay 25 triệu đồng để xây nhà.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà mới, anh Hải không giấu được sự vui mừng nói: “Nếu không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình giảm nghèo thì tôi không biết giờ này gia đình tôi như thế nào. Nhờ có vốn nên kinh tế gia đình tôi mới dần cải thiện, tích lũy cất được ngôi nhà mới kiên cố”. Anh Hải vừa mua lại 6 con bò để vỗ béo, ngoài nuôi bò, vợ chồng anh cũng thuê được 3,5 công đất để trồng rẫy và 19 công đất trồng lúa.

Chương trình tín dụng cho HS, SV cũng đã trở thành “cứu cánh” đối với các em có hoàn cảnh khó khăn. Theo Ngân hàng CSXH, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chương trình đã hỗ trợ trên 12.000 lượt HS, SV vay vốn, với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Qua đó, giúp cho nhiều HS, SV vượt qua khó khăn, thực hiện được ước mơ trên con đường học vấn của mình. Điển hình như trường hợp em Nguyễn Huỳnh Thiện và em Nguyễn Thúy Hằng ngụ xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh. Gia đình nghèo, ba mẹ bán đồ rẫy để nuôi 2 anh em ăn học. Khi 2 em vui mừng nhận giấy báo trúng tuyển cao đẳng thì gia đình lại rất lo lắng không biết “chạy” đâu ra tiền học phí. Được hỗ trợ kịp thời từ Chương trình tín dụng SV, 2 em đã trang trải được chi phí học tập và hoàn thành chương trình học. Hiện, Nguyễn Huỳnh Thiện đang làm kế toán cho một nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh, em Nguyễn Thúy Hằng đã học liên thông đại học và tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, hiện nay em đang cùng với bạn bè mở trường mầm non tư thục ở Bình Dương. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình của 2 em cũng được cải thiện rất nhiều.

Đặc biệt, thời gian qua, với việc xem chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, tỉnh đã hỗ trợ Ngân hàng CSXH cho vay với tất cả hộ gia đình có lao động đi làm việc ở nước ngoài chi phí khám sức khỏe, học định hướng và hỗ trợ cho vay từ 80% - 90% chi phí, những trường hợp khó khăn được cho vay 100% chi phí. Thông qua chương trình này, không ít hộ dân ở các vùng nông thôn của tỉnh đã thoát nghèo và trở nên khá giả. Gia đình chú Huỳnh Văn Chót (ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung) là một điển hình. Được biết trước đây, gia đình chú Chót thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 2 công ruộng, cuộc sống của vô cùng khó khăn. Năm 2017, con chú đi lao động trong xưởng cơ khí ở Nhật. Mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng. Từ số tiền tiết kiệm của con gởi về, chú đã cất lại được ngôi nhà kiên cố hơn 300 trăm triệu đồng và dành dụm gởi ngân hàng tiết kiệm được khoản kha khá để con có vốn sau khi về nước.

Ông Nguyễn Ngọc Hóa – Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: tính từ đầu năm 2016 đến ngày 31/5/2020, tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, HS, SV, doanh số cho vay đạt gần 2.000 tỷ đồng, với 83.300 hộ vay; cấp gần 875.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 242.400 học sinh; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 8.100 căn nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ dạy nghề cho 4.200 người nghèo, cận nghèo;... Có thể nói, tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn