Lai Vung

Thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em

Cập nhật ngày: 06/06/2021 19:06:18

ĐTO - Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lai Vung, hàng năm, huyện duy trì thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn ở 12 xã, thị trấn (có khoảng 8.600 hộ gia đình thực hiện đạt). Đặc biệt được dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước TE” do Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) hỗ trợ, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em (TE), kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ cho người trực tiếp giữ trẻ; tổ chức các lớp dạy bơi an toàn cho TE,... Qua đó, góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn đuối nước TE.


Trẻ em xã Vĩnh Thới được giáo viên hướng dẫn tập các kỹ năng bơi cơ bản trong một buổi phổ cập bơi

Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng, chống đuối nước ở TE trên địa bàn huyện vẫn còn một số khăn. Trong công tác phổ cập bơi, ngoài 4 xã: Hòa Long, Hòa Thành, Vĩnh Thới, Tân Phước được dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước TE”, có trang bị hồ bơi để dạy bơi, một số xã khác của huyện chưa được trang bị hồ bơi phải làm lồng dưới sông để dạy bơi vào mùa nước nổi nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, mất cảnh giác trong lúc giữ trẻ nên còn xảy ra tai nạn đuối nước TE.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước làm 2 TE tử vong. Đó là trường hợp bé B.T.T. (7 tuổi) bị tử vong do đuối nước. Do bận đi làm việc nên anh B.T. Đ. (ngụ xã Phong Hòa) gửi bé cho bà ngoại bé T. ở xã Định Hòa chăm sóc. Vào lúc 14 giờ 50 phút ngày 27/5/2021, bé T. đi xem các bạn tắm sông nhưng không báo cho bà ngoại hay, trong lúc xem các bạn tắm do bất cẩn nên bé T. trượt chân té ngã xuống sông và bị đuối nước. Vụ tai nạn đuối nước thương tâm khác xảy ra lúc 17 giờ 30 ngày 11/3/2021 tại ấp Thới Mỹ 1, xã Vĩnh Thới làm bé Đ.N.K. (3 tuổi) tử vong. Ba mẹ bé K. đi làm việc ở TP.HCM nên gửi về cho bà nội và người cô giữ dùm. Nhà cặp mé sông, nhưng trong lúc giữ cháu, người cô bận làm việc nhà đã quên quan sát cháu và không đóng cổng rào. Khoảng 20 phút sau, không thấy bé K. đâu nên gia đình đã đi tìm. Sau đó, phát hiện bé K. bị té xuống sông và bị đuối nước.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho TE từ đây đến cuối năm 2021, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước TE. Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền về phòng, chống đuối nước TE bằng nhiều hình thức; tổ chức 16 lớp kỹ năng sống cho TE, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ TE cho người trực tiếp chăm sóc trẻ; tổ chức trên 80 lớp phổ cập bơi trong năm 2021 cho TE chưa biết bơi trong huyện, dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 8 và 9/2021. Riêng tại 4 xã: Hòa Long, Hòa Thành, Vĩnh Thới, Tân Phước được dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước TE”, sẽ hỗ trợ tổ chức khoảng 20 lớp dạy bơi an toàn, mỗi lớp 30 - 35 em trong dịp hè này.

Ông Ngô Văn Lơ - Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống đuối nước TE. Cùng với sự nỗ lực của địa phương thì gia đình và người giữ trẻ cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ trước nguy cơ, hiểm họa đuối nước. Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng tham mưu UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh trang bị thêm hồ bơi cho huyện; tham mưu UBND huyện kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng hồ bơi để thực hiện tốt công tác dạy bơi cho TE, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước TE trên địa bàn huyện”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn