Thực hiện tốt công tác dạy nghề cho phụ nữ nông thôn

Cập nhật ngày: 08/05/2015 13:54:12

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nữ nông thôn.


Tổ dịch vụ nấu đám tiệc do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập

Bằng nhiều hình thức, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ) và thực hiện “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015 (Quyết định 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) tới 100% cán bộ, hội viên phụ nữ, đồng thời lồng ghép với các chính sách về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho chị em; tích cực vận động lao động nữ tham gia học nghề; chủ động cung cấp địa chỉ học nghề, địa chỉ việc làm cho lao động nữ.

Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại các địa phương, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng và liên kết Phòng Kinh tế hạ tầng, các Trung tâm dạy nghề huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề và sau học nghề cấp chứng chỉ cho chị em. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, giáo trình các nghề mới như: chăm sóc móng và tóc, nữ công gia chánh, bảo mẫu, chăm sóc gia đình phù hợp với thị trường lao động của địa phương. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức các lớp dạy nghề gắn với tạo điều kiện và cơ hội để chị em làm nghề sau học như: hỗ trợ vốn, hỗ trợ dụng cụ, phương tiện làm nghề, giới thiệu việc làm trong tác công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh, tập hợp chị em để thành lập các tổ liên kết...

Từ năm 2012-2014, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở 19 lớp dạy nghề: chăm sóc móng và tóc, nữ công gia chánh, bảo mẫu, chăm sóc gia đình... cho 424 học viên là lao động nữ nông thôn. Sau học nghề có 408/424 học viên (đạt 96,23%) có việc làm và thu nhập ổn định khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/người/tháng. Các cấp Hội Phụ nữ cơ sở cũng đã phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, các Trung tâm Dạy nghề huyện, thị, thành phố mở 450 lớp may dân dụng, may công nghiệp, nữ công gia chánh, làm móng và tóc, chăn nuôi, kỹ thuật cây trồng... cho 9.950 học viên. Sau học nghề, có 7.761/9.950 (đạt 78%) chị em có việc làm. Đặc biệt, với nghề may dân dụng, may công nghiệp, nữ công gia chánh, chăm sóc móng và tóc, đan lục bình, bó chổi, bảo mẫu các chị có thu nhập từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo tiền đề giúp chị em thoát nghèo.

Bên cạnh việc dạy nghề, các cấp Hội còn vận động những cá nhân có điều kiện thành lập các mô hình hỗ trợ sau học nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nữ ở nông thôn. Từ năm 2012 đến nay, đã thành lập được 191 tổ hợp tác sản xuất may gia công và tiêu thụ sản phẩm với 4.869 thành viên; đan lụt bình, đan ghế nhựa, đan bội tre được 14 tổ với 443 thành viên; 5 tổ kết cườm với 62 thành viên; 4 tổ đan, may thảm vải với 135 thành viên. Riêng các cấp Hội thành lập được 204 tổ dịch vụ gia đình với 2.318 thành viên.

Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội, Hội LHPN tỉnh đã hình thành điểm các mô hình dịch vụ nấu đám tiệc ở thị trấn Tràm Chim (Tam Nông), may gia công và tiêu thụ sản phẩm ở xã Tân Bình (Châu Thành), sản xuất và tiêu thụ chổi lông gà ở xã Bình Thành (Lấp Vò), đan lục bình xuất khẩu ở xã Thanh Mỹ (Tháp Mười). Từ đó, tạo điều kiện cho hàng trăm chị có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Việc thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ ở nông thôn đã góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương. Vừa qua, Hội LHPN tỉnh vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn