Xã Thanh Mỹ
Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm
Cập nhật ngày: 09/10/2013 04:43:04
Những năm qua, xã Thanh Mỹ (Tháp Mười) tập trung thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Người trong độ tuổi tuổi lao động (trên 500 người/năm) được xã giới thiệu làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh như: Công ty TNHH Tỷ Xuân (Tháp Mười), Công ty TNHH Vạn Đức (Tiền Giang)... Ngoài ra, địa phương còn mở các lớp đào tạo nghề cho lao động, trung bình khoảng 10 lớp/năm.
Trong đó có đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... Nhiều hộ dân khác không đi làm ăn xa thì có thu nhập ổn định bằng nghề đan lục bình. Mặt khác, nhờ có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và được tập huấn về khoa học kỹ thuật nên kinh tế của nhiều nông dân của xã đã phát triển bằng nghề nuôi ếch, nuôi cá và trồng cây ăn trái...
"Nhiều người dân xã Thanh Mỹ được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; giải quyết việc làm; sản xuất, kinh doanh; đầu tư hệ thống nước sạch... Hiện tổng dư nợ các nguồn vốn vay toàn xã trên 17 tỷ đồng. Đa số các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, trả lãi và gốc đúng hạn", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết.
Cùng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các hộ dân thì các hội, đoàn thể đã tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi và vận động hội viên tham gia học nghề. Để giúp chị em thoát nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thanh Mỹ hình thành mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Nhiều chị sau khi được vay vốn tiết kiệm của Hội, làm ăn khá giả đã hoàn lại vốn sớm. Bên cạnh đó, Hội còn mở nhiều lớp dạy đan lục bình và phát triển nghề này.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, mỗi năm xã mở trên 3 lớp dạy đan lục bình với 30-40 học viên/lớp, chưa kể những lớp truyền nghề tự phát. Nghề đan lục bình gần như đã phát triển toàn xã, tạo được việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Do nguyên liệu dễ tìm, đầu ra và thu nhập tương đối ổn định (1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng).
Chị Nguyễn Thị Nở - hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Hưng Lợi cho biết: Lúc trước kinh tế gia đình chị rất khó khăn. Nhưng từ khi địa phương quan tâm, nhất là sự giúp đỡ của Hội LHPN xã tạo việc làm cho chị với nghề đan lục bình, con của chị được giới thiệu vào làm việc ở Công ty TNHH Tỷ Xuân, nhờ vậy mà kinh tế gia đình chị đã ổn định hơn và được công nhận thoát nghèo vào năm 2012. Chưa thể vươn lên làm giàu, nhưng bước đầu chị đã có công việc ổn định đảm bảo cuộc sống gia đình.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết thêm: Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, UBND xã sẽ phối hợp với Xã đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức sàn giao dịch việc làm cho lao động địa phương. Xã đặc biệt chú ý đến công tác tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Hiện tỉ lệ hộ nghèo của Thanh Mỹ còn 6,75% (trên 200 hộ), giảm 4% so với năm trước. Đời sống người dân có sự khởi sắc nên bà con tích cực đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, nhân dân tự nguyện đóng góp trên 31 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình giao thông, góp phần vào thành quả chung 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà Thanh Mỹ đạt được và phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí vào cuối năm 2013.
Nhựt An