Tháp Mười

Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết, giới thiệu việc làm

Cập nhật ngày: 11/03/2020 10:08:54

ĐTO - UBND huyện Tháp Mười đã ban hành các kế hoạch tập trung thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình giảm nghèo bền vững; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp hộ nghèo vươn lên đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.


Học sinh THPT tham gia tư vấn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp

 Theo đó, công tác giảm nghèo, tư vấn, giới thiệu việc làm và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn tập trung lãnh, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND các xã, thị trấn sớm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện, phối hợp với các đơn vị liên quan và Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Đồng thời tư vấn, phân luồng trên 400 học sinh sau tốt nghiệp THCS và gia đình các em tham dự.

Năm 2019, các xã đã đăng ký và được tỉnh phê duyệt phân bổ 12 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, đã khai giảng được 12/12 lớp, có 280 học viên tham gia các lớp: may công nghiệp, sửa kiểng bonsai, đan lục bình, may túi xách tự hoại, đàn cổ nhạc... Sau đào tạo các lớp nghề, lao động có việc làm ổn định chiếm trên 85%. Phòng LĐ-TB&XH, các tổ chức chính trị-xã hội huyện, UBND các xã, thị trấn đề ra nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động như tổ chức tuyên truyền cho lao động đi tham gia các phiên giao dịch việc làm do tỉnh tổ chức; tư vấn hướng nghiệp về đào tạo nghề và lao động ở nước ngoài cho trên 130 thanh niên xuất ngũ.

Cũng trong năm 2019, toàn huyện 5.927 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, đạt 118,54% kế hoạch năm. Với các chính sách thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp, công ty trên địa bàn huyện đã tạo việc làm cho người lao động tại địa phương như: Công ty Tỷ Thạc, Sao Mai, Đại Phát... có trên 700 lao động đăng ký làm việc. Toàn huyện có 184 lao động đã xuất cảnh làm việc ở nước ngoài (đạt 137,31%) và 184 lao động (đạt 224,39% kế hoạch năm được tỉnh giao). Huyện Tháp Mười hiện có 66 lao động trúng tuyển thị trường Nhật Bản chờ xuất cảnh. Phòng LĐ-TB&XH cùng các đơn vị liên quan đã xem xét từ nguồn vốn giải quyết việc làm, giải ngân 40 dự án, với số tiền hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho trên 80 lao động.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm do tỉnh phân bổ, UBND huyện phân khai cho các xã triển khai các dự án nghề phi nông nghiệp đã thu hút hàng trăm lao động tham gia; hỗ trợ cho người đi lao động ở nước ngoài vay với số tiền trên 14 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai hỗ trợ tín dụng cho 926 hộ nghèo, hộ thoát nghèo, hộ cận nghèo vay vốn làm ăn với số tiền hơn 22 tỷ đồng; có 49 học sinh, sinh viên nghèo vay số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; cho 1.028 hộ vay nước sạch và nhà vệ sinh với số tiền hơn 15 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện và nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đã thăm và tặng hơn 10.000 phần quà cho hộ nghèo, hộ thoát nghèo. Triển khai hỗ trợ 80 bồn nhựa chứa nước mưa cho hộ nghèo tại xã Mỹ An do Hiệp hội Christina Noble tài trợ. Từ nguồn vận động của các tổ chức chính trị - xã hội huyện, đến nay cất được 127 căn nhà với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng, góp phần xóa nhà tạm trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và cho vay cất 56 căn nhà tại các xã, thị trấn với số tiền cho vay hơn 1,4 tỷ đồng.

Phòng LĐ-TB&XH huyện Tháp Mười, UBND các xã, thị trấn thường xuyên khảo sát thực trạng và phân loại từng hộ nghèo, phát động phong trào đăng ký thoát nghèo của từng hộ nghèo để có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Đa dạng các hình thức dạy nghề cho LĐNT, dạy nghề theo địa chỉ, công tác dạy nghề gắn với mô hình, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo có phương án, kế hoạch sản xuất cụ thể thông qua nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, vốn từ chương trình giải quyết việc làm, đầu tư nhân rộng các mô hình, dự án sản xuất đang có hiệu quả, giúp cho hộ nghèo có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững...

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn