Thương binh làm kinh tế giỏi
Cập nhật ngày: 28/07/2014 05:29:48
Trở về từ chiến trường với cơ thể không còn lành lặn, nhưng bằng nghị lực và quyết tâm, thương binh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1940, ấp 2, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh) đã vươn lên làm giàu bằng chính đôi tay của mình.
Năm 1959, chú Nguyễn Hoàng Nam tham gia cách mạng và trở thành du kích xã Bình Hàng Trung khi mới 19 tuổi. Năm 1963, trong một trận đánh ác liệt, chú Nam bị thương nặng phải điều trị hơn 1 tháng. “Tôi bị thương vùng đầu và gãy một ngón tay khi gài trái nổ.” - Chú Nam nhớ lại. Dù bị thương nặng, nhưng sau khi được điều trị, chú Nam vẫn hăng hái xông pha chiến trường. 1 năm sau, chú kết hôn cùng cô Đặng Thị Mười - là nữ chiến sĩ công tác mật. Đến năm 1978, chú phục viên trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 31%.
Chú Nguyễn Hoàng Nam
Trở về sau chiến tranh với đôi bàn tay trắng, vợ chồng chú Nam gặp không ít khó khăn trong cuộc mưu sinh. Các con chú đứa lớn nhất chỉ 10 tuổi, còn đứa nhỏ mới thôi nôi. Số tiền “sinh hoạt phí” của thương binh hạng 4/4 thời điểm đó gói ghém lắm cũng chỉ lo hai bữa cơm cho gia đình tới 6 miệng ăn. Được cha mẹ cho 6 công đất ruộng sản xuất lúa mùa, chú Nam xoay xở làm thêm nhiều nghề nhưng cuộc sống vẫn không khá lên. Chú Nam kể: “Năm ấy (1978), lũ làm ngập sâu cả cánh đồng, lúa của tôi cũng chìm trong biển nước. Vợ chồng tôi phải ngụp lặn suốt mấy ngày liền mới thu được 5-7 giạ lúa. Cuộc sống lay lắt qua ngày cơ cực lắm”.
Năm 1995, thấy hoàn cảnh chú khó khăn, cha mẹ vợ cho thêm 4 công đất ruộng. Bản tính cần cù, chịu khó nên ngoài thời gian chăm sóc lúa, chú còn tranh thủ làm thuê. Dành dụm, chắt chiu được số vốn kha khá, 2 năm sau chú sang nhượng thêm 5 công đất canh tác, kinh tế gia đình chú từ đó dần được cải thiện. Quyết tâm vươn lên làm giàu, chú Nam mạnh dạn thực hiện mô hình VAC - R (kết hợp chăn nuôi heo, đào ao nuôi cá, trồng xoài song song với sản xuất lúa). Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và nuôi trồng qua sách báo, các chương trình khuyến ngư - khuyến công và khuyến nông, mô hình sản xuất của chú Nam đạt hiệu quả cao. Theo ước tính, mỗi năm gia đình chú thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng từ sản phẩm nông nghiệp. Với cách làm hay, chú Nam vinh dự được nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” cấp huyện năm 2012 - 2013.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, nhiều năm qua, là Trưởng Ban nhân dân, Bí thư chi bộ ấp, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã..., chú Nam đều hoàn thành xuất sắc. Chú Nam còn là tấm gương tiêu biểu trong các hoạt động xã hội. Chú Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ: “Mình là đảng viên, phải có trách nhiệm lo cho nhân dân. Lúc gia đình còn khó khăn tôi vẫn tham gia các hoạt động của địa phương. Tôi nghĩ, việc vận động mạnh thường quân và bà con trong ấp tham gia đóng góp xây dựng cầu, đường nông thôn cũng là cách trực tiếp xây dựng quê hương giàu đẹp”.
Mới đây, chú Nam vận động mạnh thường quân và người dân địa phương được gần 80 triệu đồng để xây dựng cây cầu nối liền 2 xã Mỹ Hội và Bình Hàng Trung, giúp người dân lưu thông dễ dàng. Anh Phan Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hàng Trung nhận xét: “Bác Hoàng Nam là cựu chiến binh, người đảng viên gương mẫu trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Ngoài ra, bác Nam còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương như vận động xây dựng cầu, đường nông thôn và trao quà cho học sinh nghèo hiếu học...”.
Lê Thanh