Thường xuyên diệt lăng quăng để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 13/07/2022 11:04:17

ĐTO - Để kéo giảm số ca mắc và số ca tử vong do dịch sốt xuất huyết (SXH) Dengue trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành chức năng tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp kết hợp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, tập trung huy động nhiều lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động kết hợp với nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH sát với tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, số ca mắc SXH trên địa bàn từng bước được kiềm chế và đẩy lùi.


Người dân tự giác thực hiện diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. 
Ảnh: Văn Khương

Trong tháng 6/2022, do tình hình thời tiết thất thường, nắng, mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi nên dịch SXH diễn biến phức tạp, số ca mắc SXH đã tăng cao tại nhiều địa phương trong tỉnh. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch SXH, ngoài Chiến dịch diệt lăng quăng hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH trên địa bàn; các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng triển khai Chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH” gồm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 28/6 - 1/7, đợt 2 từ ngày 5 - 8/7). Chiến dịch đã huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, hộ gia đình và cá nhân tham gia hoạt động diệt lăng quăng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh SXH.

Qua thời gian triển khai thực hiện đồng loạt Chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH” tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tất cả ổ dịch (là ổ dịch nhỏ cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay là 1.646) đều được xử lý (đạt 100%). Đặc biệt, ngành y tế tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai 3 đợt phun hóa chất diện rộng tại huyện Hồng Ngự (xã Thường Phước 1, xã Thường Lạc, thị trấn Thường Thới Tiền) và TP Hồng Ngự (phường An Bình A, phường An Lạc, phường An Lộc và phường An Thạnh). Đồng thời duy trì hệ thống thống kê báo cáo phần mềm bệnh truyền nhiễm, cập nhật ca bệnh hàng ngày từ các bệnh viện và các đơn vị y tế trong tỉnh. Danh sách ca bệnh được cập nhật cụ thể, chi tiết đến số nhà, số điện thoại cho Trung tâm Y tế huyện xử lý ổ dịch kịp thời trong vòng 48 giờ.

Các hoạt động truyền thông được triển khai thực hiện thường xuyên, đa dạng nhiều hình thức, được tổ chức tại những nơi nguy cơ, lồng ghép hoạt động truyền thông tại cộng đồng với hoạt động xử lý ổ dịch và chiến dịch diệt lăng quăng. Bác sĩ Chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch SXH, nên số ca mắc SXH trên địa bàn từng bước được kiềm chế và đẩy lùi. Cụ thể, trong tuần 27, số ca mắc được kéo giảm so với tuần 26 ở nhiều địa phương như TP Hồng Ngự (giảm 55%) và các huyện: Tân Hồng (giảm 47%), Châu Thành (giảm 37,5%)...

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện tại thời tiết đang bước vào cao điểm của mùa mưa, nguy cơ số ca mắc có thể tăng trở lại nếu không duy trì các biện pháp phòng, chống bệnh. Do đó, ngành y tế tỉnh tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời; thường xuyên vận động người dân kiểm soát lăng quăng bằng cách thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước không để cho lăng quăng sinh sống và tạo thành muỗi...

Ngày 11/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu chủ trì cuộc họp trực tuyến với UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về kết quả thực hiện Chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH”. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến tuần 27, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận hơn 4.100 ca mắc SXH, tăng 477% (tương đương 3.415 ca) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 6 trường hợp tử vong, là 1 trong 4 địa phương có số tử vong cao nhất trong khu vực. Trong tuần 27, số ca mắc giảm 18 ca so với tuần 26 (từ 403 ca giảm còn 385 ca), tỷ lệ giảm là 4,5%. Trong đó, TP Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, huyện Tháp Mười giảm nhiều nhất. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đề nghị, 3 địa phương có chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có lăng quăng/bọ gậy Aedes trong 100 nhà dân điều tra) còn mức cao gồm: TP Cao Lãnh, huyện Tháp Mười và huyện Châu Thành tiếp tục thực hiện chiến dịch “Diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH” đợt 3; các địa phương còn lại chuyển sang hoạt động diệt lăng quăng đồng loạt, duy trì thường xuyên nhằm chủ động ngăn chặn, phòng, chống bệnh SXH.

NGÂN NGUYỄN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn