Hội Liên hiệp Phụ nữ Lai Vung

Tích cực trong quản lý giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật

Cập nhật ngày: 29/07/2016 14:17:48

ĐTO - Từ năm 2014 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ LHPN huyện Lai Vung đã có nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật (TTNVPPL).

Giáo dục TTNVPPL là một việc làm không đơn giản vì mỗi đối tượng có một hoàn cảnh khác nhau. Đa phần các em sống trong gia đình không hòa thuận, có cha mẹ ly hôn, gia đình nghèo hoặc cha mẹ nuông chiều dẫn đến bị bạn bè lôi kéo vào các tệ nạn xã hội... nên có nhiều mặc cảm với xã hội, rất khó tiếp cận. Hội LHPN huyện xác định, trước hết phải tạo sự gần gũi, thân thiện và tìm hiểu những vướng mắc trong cuộc sống mà các em đang gặp để kịp thời giúp đỡ. Từ đó, Hội LHPN kết hợp các ngành thành lập nhóm, tổ chức các buổi gặp gỡ, trò truyện tìm hiểu hoàn cảnh từng đối tượng. Thông qua đó, cán bộ Hội sẽ tuyên truyền, vận động, giúp các em nhận thức việc làm sai của mình và định hướng để các em tiến bộ hơn. Về phía gia đình, Hội vận động nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến các em; hướng dẫn cách giáo dục con không nên nóng tính mà phải từ từ khuyên bảo... Hội cũng phát động hội viên giáo dục con em không VPPL, không tham gia tệ nạn xã hội; cho hội viên làm cam kết từng năm và tiêu chí này được đưa vào bình xét gia đình văn hóa, gia đình 5 không 3 sạch...

Hội LHPN huyện cũng kết hợp các ngành giới thiệu học nghề, việc làm cho các TTN VPPL như: hớt tóc, làm vườn, sửa xe...; liên kết với tiệm sửa xe Chín Tèo ở xã Tân Thành giới thiệu cho các TTNVPPL học nghề sửa xe thí công. Em Trần Hữu Tâm ngụ ấp Tân Định, xã Tân Thành, nghỉ học sớm hay đi chơi cùng bạn bè, không lo làm ăn. Qua tìm hiểu, Tâm có nguyện vọng học nghề sửa xe, Hội LHPN đã giới thiệu em đến học nghề sửa xe tại tiệm Chín Tèo. Sau 9 tháng học nghề, em vào làm cho 1 tiệm ở thị trấn Lai Vung với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Đối với những TTNVPPL tiến bộ, có ý chí làm kinh tế, Hội tạo điều kiện cho gia đình các em được vay vốn như gia đình em Nguyễn Ngọc Đạt ngụ Tân Khánh, xã Tân Thành được giới thiệu vay 10 triệu đồng làm vốn mua bán tạp hóa nhỏ và đan cần xé gia công tại nhà. Hiện tại, không chỉ Đạt có việc làm mà ba, mẹ và em của Đạt cũng có việc làm từ nghề đan đát.

Từ năm 2013 đến nay, Hội LHPN huyện Lai Vung quản lí giáo dục 99 TTNVPPL, trong đó có 26 đối tượng tiến bộ, 16 em có việc làm ổn định như: sửa xe, hớt tóc, mua bán nhỏ, phụ giúp gia đình... Đây là kết quả của sự phối hợp của Hội với chính quyền địa phương, ngành công an và cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay một số em trong diện quản lý, giáo dục còn khó thuyết phục, một số gia đình vì lo làm kinh tế nên ít quan tâm đến con, từ đó làm cho việc tiếp cận đối tượng của tuyên truyền viên còn gặp nhiều khó khăn... Năm 2016, Hội LHPN huyện quản lý, giáo dục 21 đối tượng TTNVPPL. Hiện Hội đang tích cực thăm hỏi, động viên gia đình để hỗ trợ các em về việc làm, học nghề, hướng các em hòa nhập tốt với cộng đồng.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn