Tình trạng ly hôn gia tăng

Cập nhật ngày: 29/07/2013 05:07:01

Từ lâu, gia đình là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình có bền vững thì xã hội càng thêm văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên, cùng với xu thế phát triển của đất nước, giá trị đạo đức truyền thống của một số gia đình cũng bị phá vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó tình trạng ly hôn cũng có xu hướng tăng cao.

Theo số liệu thống kê Tòa án nhân tỉnh Đồng Tháp từ năm 2008 đến 2012, toàn tỉnh có hơn 10.000 vụ ly hôn. Bình quân mỗi năm, Tòa án các cấp trong tỉnh giải quyết hơn 3.000 vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Số vụ án hôn nhân, gia đình năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Nếu như năm 2008, Tòa án tỉnh chỉ giải quyết 8 vụ ly hôn, huyện giải quyết 735 vụ thì đến năm 2012, Tòa án tỉnh giải quyết 23 vụ, Tòa án huyện giải quyết 2.841 vụ. Nếu các địa phương trong tỉnh không hòa giải thành được nhiều vụ “cơm không lành, canh không ngọt” diễn ra ở nhiều cặp vợ chồng thì ước tính số vụ ly hôn xảy ra trên địa bàn tỉnh có thể tăng hơn gấp nhiều lần.

Tình trạng ly hôn hiện nay không chỉ xảy ra ở thành thị mà còn xảy ra nhiều ở nông thôn. Các cặp vợ chồng ly hôn gồm đủ các thành phần xã hội: gia đình cán bộ, công nhân, nông dân, buôn bán,... Đáng báo động số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ trên địa bàn tỉnh tăng lên không ngừng. Trong hơn 10.000 vụ ly hôn xảy ra giai đoạn 2008-2012, có hơn 6.000 vụ ly hôn người trong cuộc ở độ tuổi 18-30. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn do tính tình không hòa hợp, bất đồng về lối sống, bạo lực gia đình, sự không chung thủy của vợ hoặc chồng và nhiều nguyên nhân khác như tệ nạn xã hội, cờ bạc, ma túy... trong số vụ ly hôn người vợ đứng đơn ly hôn cao gần gấp đôi so với người chồng đứng đơn. Thành phố Cao Lãnh là địa phương có số vụ án ly hôn cao nhất tỉnh. Trong 5 năm qua, Tòa án thành phố đã giải quyết gần 1.800 vụ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2013, Tòa án thành phố Cao Lãnh giải quyết gần 200 vụ án ly hôn, trong đó chiếm 60% là người nữ đứng đơn xin ly hôn.

Lập gia đình ai cũng muốn có cuộc sống hạnh phúc, nhưng sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ thì đó là nỗi đau mất mát của vợ chồng. Sau ly hôn so với nam giới, đa số phụ nữ gặp khó khăn gấp bội, phải gồng mình để gánh vác trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ, nuôi dạy con và luôn phải chịu áp lực về tài chính, bị thiệt thòi về tâm lý, tình cảm. Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những người con của họ. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2008 đến nay có gần 6.000 trẻ em chưa thành niên là người bị ảnh hưởng trực tiếp do cha mẹ ly hôn. Trẻ em trong các gia đình có cha mẹ ly hôn sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và tương lai sau này vì thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của cha hoặc mẹ, thường có những biểu hiện lệch lạc và phạm tội. Một khía cạnh khác, sau ly hôn cha hoặc mẹ tái hôn, cảnh sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, tình trạng “con anh, con em”, dẫn đến các bậc cha mẹ có thể thiếu trách nhiệm trong việc giáo dục con cái (bỏ mặc, ngược đãi) tác động sâu sắc không những lên sự nhận thức còn rất non nớt của các em mà con gây ra những bất hòa và tổn thương tâm lý khó hàn gắn được.

Để hạn chế tình trạng ly hôn, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc giúp cho các thành viên trong gia đình, thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”,“Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ”; các luật pháp liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình,... ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, đồng thời chú trọng biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về xây dựng gia đình hòa thuận, giữ vững hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, học giỏi, thành đạt, hiếu thảo,... tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, quan tâm hỗ trợ chính sách an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân...

Thạc sĩ Nguyễn Oanh Kiều-Giảng viên Khoa văn hóa- Học viện Chính trị hành chính Khu vực 2 đưa ra lời khuyên: Để hạn chế việc ly hôn gia tăng, các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí của mình trong xây dựng gia đình, biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau “chồng bảo vợ nghe, vợ nói chồng đồng tình”. Mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Nói không với những tệ nạn xã hội, sống thủy chung. Phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Tăng cường học hỏi, tham vấn về kiến thức tiền hôn nhân, giao tiếp, lối ứng xử trong gia đình... Bên cạnh đó, trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có nghề nghiệp và thu nhập ổn định”.

Người xưa thường có câu: “Đồng vợ đồng chồng tác biển Đông cũng cạn”, đến nay câu nói đó vẫn còn nguyên giá trị. Gia đình là tổ ấm hạnh phúc, gia đình hạnh phúc sẽ là hành trang và nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phồn vinh và phát triển.

P.Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn