Trăn trở làng nghề thớt gỗ Định An
Cập nhật ngày: 23/10/2013 05:11:07
Nghề làm thớt ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò hoạt động quanh năm. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời.
Nguyên liệu để làm thớt thường là gỗ cây xà cừ, me. Để có được chiếc thớt, người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn: phân đoạn, cắt thớt, lấy mực, ra vóc, đẽo, gọt láng, bào mặt... Trước đây, các công đoạn này được làm thủ công nên vất vả, tốn nhiều thời gian nhưng năng suất không cao, hai người làm được 10 - 15 chiếc thớt/ngày. Từ khi sử dụng phương tiện cơ giới như máy cưa, máy cắt, máy lộng, bào điện... năng suất tăng lên gấp 8 đến 9 lần so với trước.
Người dân ấp An Hòa, xã Định An phơi thớt
Hộ anh Trần Văn Mỹ ngụ ấp An Hòa gắn bó với nghề làm thớt 30 năm cho biết: “Trước đây, làm nghề này nặng lắm, khi mua gỗ về phải kéo lên trại rất nặng nhưng giờ có máy kéo giúp tôi giảm đi sức lao động rất nhiều. Đồng thời, sản phẩm làm ra tăng hơn, trước kia chỉ hơn 10 tấm thớt/ngày giờ đây trại của tôi có thể làm hơn 100 tấm/ngày”.
Theo những người có kinh nghiệm làm thớt lâu năm, để có một chiếc thớt tốt phải chọn loại cây gỗ già (nếu dùng gỗ non thớt sẽ bị co sau khi làm xong) đem sấy cho hết nhựa mang ra cắt thành từng miếng rồi phơi nắng để không bị mốc... Ngoài ra, người thợ phải cắt, gọt sao cho độ dày, tròn, độ rộng của thớt hợp lý để hạn chế thớt vỡ trong quá trình sử dụng. Những năm 1990, nghề này đem lại cuộc sống ổn định nhưng gần đây người làm nghề này ngày một ít đi và chủ yếu chỉ lấy công làm lời do gặp nhiều khó khăn: giá nguyên liệu gỗ, giá nhân công lao động tăng nhưng giá sản phẩm lại không tăng nhiều.
Thêm vào đó, các hộ theo nghề còn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ các tỉnh khác nên lợi nhuận không cao. Hiện tại, ấp An Hòa có khoảng hơn 10 hộ làm nghề thớt. Trung bình 2 người làm được hơn 100 chiếc thớt/ngày, mỗi chiếc thớt bán ra thị trường, trừ tiền nguyên liệu bà con lời khoảng 1 ngàn đồng/chiếc. Chú Nguyễn Văn Thi ngụ ấp An Hòa làm nghề thớt được 40 năm nói: “Tôi làm nghề này lâu rồi, giờ thì lợi nhuận không bằng trước, nguyên liệu gỗ mua khó khăn, chi phí cao nhưng bán thớt lại không tăng giá. Tính không theo nghề nữa, nhưng nghĩ lại đây là nghề truyền thống nên ráng giữ”.
Dù khó khăn, vất vả nhưng hơn mấy chục năm qua, người dân ấp An Hòa, xã Định An vẫn miệt mài cùng với nghề bởi đây vừa là nghề tạo thu nhập vừa là nghề truyền thống.
Mỹ Xuyên