Từ không đến có

Cập nhật ngày: 19/02/2016 12:47:36

Tên Láng Biển có từ bao giờ chưa ai rõ. Chỉ biết rằng từ xa xưa nơi đây là một vùng trũng quanh năm nước đọng, mọc đầy cỏ lát, đưng sậy hoang vu, mênh mông bốn bề trông như biển cả, nơi “định cư” của các loài chim, cá, trăn, rùa, rắn... Giữa thế kỷ XX vẫn chưa có người đến ở.


Nhiều cầu mới được xây dựng

Thời chống Mỹ, trên cánh đồng này chỉ có các cơ quan, đơn vị võ trang trú đóng tránh sự càn quét, đánh phá của địch. Mùa khô, anh em chui vô các cụm sậy, vạch đưng làm những cái tum vừa một người ở, co ngọn đưng lại cho kín bên trên, máy bay không nhìn thấy và nắng bớt rọi. Mùa nước, vạch đưng xóc cọc, lót tấm vạt tre cao hơn mặt nước để ở hoặc chui xuồng vào những cụm đưng cao, co ngọn đưng lại mà trú. Lợi dụng cánh đồng đưng mênh mông để địch không biết chỗ nào mà đánh. Tuy vậy, mùa khô, trực thăng chiến đấu thường đến phóng hoả tiễn đốt cháy đồng đưng, lửa ngùn ngụt cháy suốt cả ngày đêm, để rồi cả cánh đồng rộng lớn còn trơ một thảm tro đen, “đi cách 4 cây số còn thấy gót chân” như anh em thường nói. Được cái là chỉ mấy hôm sau mầm đưng nhú lên đỏ sẫm rồi mươi hôm lá đưng xanh mơn mởn phủ kín màu tro đen, nhanh chóng vươn lá cao lên, tháng sau là che kín được người. Rải rác trên cánh đồng đó đây có mấy đám tràm do người trồng, mang tên đám tràm Giáo Liễn, Hai Cu, Hai Tỵ...

Sau ngày miền Nam giải phóng, tỉnh Đồng Tháp chủ trương tấn công vô Đồng Tháp Mười. Đồng Láng Biển được quy hoạch xây dựng một nông trường, mang tên nông trường Láng Biển. Tháng 7/1976, một bộ khung cán bộ quản lý nông trường gồm các ông quê Đồng Tháp đi tập kết ra Bắc trở về: ông Võ Ngọc Năm (Năm Ngao) quê Tân Qui Đông - Sa Đéc làm Giám đốc, ông Trần Văn Tô quê Phường 1 - Sa Đéc làm Phó Giám đốc. Sau đó, ông Nguyễn Hữu Trinh quê Tân An - Cao Lãnh thay Năm Ngao làm Giám đốc.

Ban đầu, quy hoạch diện tích nông trường rộng 7.000ha, từ kinh Nhứt về hướng nam 2km, từ kinh Nhứt về hướng bắc 4km, chiều dài từ kinh Kháng Chiến giáp kinh Cái Bèo Cạn, cách 1km.

Có chuyện ngược đời là giải phóng xong, người ta ra thành, ra chợ, ở nhà tường, có điện, nước máy, có đường nhựa, có xe..., lúc đó, các ông lãnh lịnh đi lập nông trường lại mang ba lô vô cánh đồng hoang, cắt cỏ dựng chòi che nắng sương, ngày ngày vẹt cỏ, lội sình, đội nắng mưa đi đo đạc, cắm mốc, định vị nơi đào kinh, nơi trồng tràm, nơi trồng lúa..., chịu cảnh muỗi, đỉa, nước phèn... đến đêm chỉ có cái radio làm bạn.

Lực lượng nông trường ban đầu chỉ có cán bộ khung, 36 công nhân và 12 máy cày. Đến năm 1978, Bộ Nông trường mới đưa thêm 12 người từ Nông trường Sông Âm - Thanh Hoá, hình thành các phòng tổ chức, cơ khí, chăn nuôi...

Đất khai hoang làm lúa một vụ, nông trường kêu gọi và dân tứ xứ từ các nơi trong tỉnh, các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bến Tre... lần lượt đến nông trường xin cấp đất. Đất mênh mông, nên tuỳ ai có khả năng làm tới đâu thì ký hợp đồng nhận đất tới đó, như ông Hai Dân ở Tiền Giang hợp đồng 500 công, Năm Sáng, Tám Phấn hơn 100 công, Bảy Tính 100 công... Năm 1978 bị lụt lớn, nông trường trắng tay, dân trắng tay. Đã khổ lại thêm khổ. Thử thách ác nghiệt rồi cũng vượt qua. Kinh ngang dọc được đào, có nước ngọt, người có nước xài, phèn bị ém, lúa tốt lên. Đất không phụ lòng người, năm 1980 nông trường thí điểm hơn 2ha làm lúa hai vụ. Lấy kết quả phổ biến rộng ra. Từng bước, đến năm 1985 chuyển lên hai vụ lúa/năm.

Về diện tích, nông trường có biến đổi. Sau năm 1978, tỉnh quyết định lấy đất từ kinh Nhứt đổ về phía nam 2.000ha làm trại cải tạo. Đất nông trường còn phía bắc kinh Nhứt, vô cách Mỹ Đông 2km. Đến năm 1981, tách huyện Cao Lãnh thành lập huyện Tháp Mười, lấy kinh Tư làm ranh, đất nông trường chỉ còn lại 2.000ha. Nông trường thuộc huyện Tháp Mười. Ông Ba Trinh về hưu, ông Võ Thanh Phong thay làm Giám đốc. Cuối năm 1993 giải thể nông trường, Láng Biển thành ấp nhập vào xã Mỹ Đông. Đến năm 1994 lại tách ra lập xã Láng Biển và xã Láng Biển ra đời, tồn tại đến bây giờ...

***

Bốn mươi năm qua, kể từ lúc bắt đầu khai hoang, trải qua bao thăng trầm, biến đổi và từ ngày mang tên xã Láng Biển tới nay, xã Láng Biển thay da đổi thịt, lớn lên không ngừng.


Cơ sở mộc cất nhà tình thương cho hộ nghèo

Đa số đảng viên từ nông trường ở lại định cư lập nghiệp, dần bổ sung số mới thành đảng bộ, từ chi uỷ rồi đảng uỷ lãnh đạo toàn diện xã nhà. Dân tứ xứ đến định cư thành dân Láng Biển, có những hộ như hộ ông Nguyễn Văn Cao từ xã Bình Hàng Tây đến, sáu người con dần lớn lên, có vợ có chồng ra riêng thêm sáu hộ khẩu ở ấp 3 xã Láng Biển. Từ không có người ở, đến nay, số dân trên 5.200 người. Từ không kinh rạch, nay hàng chục con kinh cắt dọc xẻ ngang, hai bờ kinh đều có nhà dân trú ngụ. Từ những con đường mòn, nay phần lớn được trải nhựa, lót đan hoặc rải đá chống lầy. Đặc biệt là đã thông con đường nhựa rộng chạy ngang qua xã, từ Mỹ Đông tới Mỹ Long, xe tải chở hàng hoá lui tới dập dìu. Riêng năm 2015 xã đã làm xong đường đan ấp 4 dài 1km, hai tuyến đường đan bờ đông kinh Ông Hai dài 2km, bắc hai cầu đúc bê tông xong trước Tết Bính Thân. Đi suốt bốn ấp không còn cầu khỉ, xe hai bánh đều đi lại được. Từ đất hoang nay có trên 5.545ha đất sản xuất lúa ba vụ, với tổng sản lượng lúa trên 38.965 tấn, tính bình quân đầu người trên 7 tấn. 100% diện tích đất sản xuất, từ khâu làm đất, sạ, cắt lúa... đều cơ giới hoá. Hiện nay xã có 25 máy liên hợp gặt đập. Nổi bật là có 125ha mặt nước nuôi cá sặc rằn và ấp 3 được quy hoạch là ấp nuôi cá sặc rằn. Đi dọc hai bờ kinh Kháng Chiến, nối nhau là những ao nuôi cá sặc rằn, mỗi ao rộng 1 - 2ha. Bờ đê bao được trồng dừa, chuối... thẳng hàng, trái sai oằn rất đẹp. Tôi đến ao cá anh Nguyễn Văn Việt, gặp ông Huỳnh Văn Dũng là thương lái từ xã Khánh An huyện An Phú - An Giang tới cân cá. Với cá 6 con 1kg được mua với giá 64.000 đồng (năm ngoái giá 50.000 đồng). Ghé nhà ông Nguyễn Văn Cao - một cán bộ quân sự nghỉ hưu - ông hể hả cho biết cả sáu người con của ông đều nuôi cá sặc rằn, đất nhà không đủ phải mướn thêm đất đào ao nuôi cá. Thu nhập từ nuôi cá, mỗi ha bình quân lãi 200 triệu đồng. Người con út của ông làm 12ha, tiền lãi không phải trăm triệu mà là tỷ. Được biết, lãnh đạo xã đã nghĩ tới việc kêu gọi đầu tư để chế biến con cá sặc rằn thành khô, tìm thị trường đầu ra, thì lãi của người nuôi cá sẽ cao hơn.

Từ đồng không mông quạnh, nay Láng Biển có chợ mua bán ngày càng đông, đủ thứ hàng hoá cần thiết. Từ không có nhà, nay đi đâu cũng gặp nhà tường, nhà cao tầng, cả những biệt thự sang trọng không thua ngoài thành phố. Vốn cất nhà tính tiền tỷ, chưa nói trang bị sang trọng bên trong.

Từ không, nay có nhà nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở và năm học 2015 - 2016 xã huy động trẻ mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở ra lớp đều đạt 100%. Tháng 10/2015, xã được trên xét công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đã có hàng trăm em học trung học phổ thông và trên 50 em đã và đang theo học các trường đại học. Hội Khuyến học xã ra đời sớm nhứt huyện cùng với cơ ngơi Trung tâm học tập cộng đồng xây dựng mới khang trang.

Từ xài nước phèn rồi xài nước kinh, nay ba cây nước đã chạy ống đưa nước sạch tới từng hộ gia đình.

Một chuyện mới có trong năm 2015 là sự ra đời của cơ sở mộc cất nhà tình thương Quang Minh ở ấp 4. Số là đầu năm 2015, mưa giông làm sập hai nhà ông Nguyễn Văn Kéo và Huỳnh Tấn Lợi, đều là hộ nghèo không có khả năng cất lại nhà. Đi xin cây ở ba nơi họ đều hẹn 1 - 2 tháng sau mới có. Anh Trần Thành Nam bàn với ông Nguyễn Hoàng Hưng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã: Xã mình nhiều nhà trồng bạch đàn, có đất sao người ta làm được mà mình không làm được. Vậy là anh Trần Thành Nam tình nguyện lấy một công đất nhà làm địa điểm, đi vận động xin được 20 triệu đồng mua cưa máy, mua cây lá cất lên trại mộc. Cây, đi xin các gia đình trong xã, vận động anh em đi đốn chở về, cắt, bào, đục... làm ra bộ khung nhà gồm cột, kèo, đòn tay, giúp cho hộ nào nghèo cần làm nhà. Tính đến nay, đã giao được 10 bộ và sẽ giao thêm 3 bộ nữa. Hôm tôi đến thì thấy có mặt vợ chồng anh Phạm Văn Lành ở ấp 2 đến nhận bộ khung nhà, sửa soạn chở về. Về cơ sở mộc này nhiều chi tiết hay phải kể dài hơn khi khác.

Tôi lại đến cơ sở làm hàng bằng lục bình, có tên Tổ hợp tác Tân Tiến ở ấp 4, lập từ năm 2010, do chị Lê Thị Mỹ Mười làm tổ trưởng. Hiện có trên 100 người trong xã và trên 100 người các xã bạn tự nguyện làm thành viên của tổ hợp tác. Khung sắt để đan lục bình lấy từ công ty ở Bình Dương. Chị em đến nhận khung sắt và lục bình đã phơi khô đem về nhà đan. Xong, đem sản phẩm đến nộp cho tổ. Cứ bảy ngày tổ giao một chuyến cho công ty. Nay, sắm được xe tải nhà, nên nhẹ chi phí chuyên chở, cứ năm ngày rồi bốn ngày chở hàng đi giao. Mỗi lần 710 bộ sản phẩm. Thu nhập của xã viên, chị Lê Thị Mỹ Mười cho biết tuỳ mỗi gia đình có người rảnh rỗi làm nhiều, có người ít, tính bình quân từ một triệu rưỡi đến 800.000 đồng/người/tháng. Ở nông thôn, sử dụng giờ nhàn rỗi, đây là nguồn bổ sung thêm thu nhập cho gia đình.

Gặp đồng chí Nguyễn Văn Mảnh - Chủ tịch UBND xã, đồng chí cho biết: Xã đã đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Năm 2016 xã phấn đấu đạt thêm 2 - 3 tiêu chí nữa. Việc cần phải có trên hỗ trợ cho xã là xây dựng thêm trường học và kéo dây hạ thế điện. Vì hiện nay, nhiều gia đình phải dùng điện chia hơi, giá đến 20.000 đồng/kWh, quá nặng. Khó khăn của Láng Biển còn nhiều thứ lắm.

***

Tới xã Láng Biển hôm nay, nhìn bộ mặt nông thôn cây trái sum suê, nhà cửa khang trang, đời sống người dân lên cao và không ít người là tỷ phú, nhớ lại bốn mươi năm về trước, tôi chỉ biết nói rằng Láng Biển là xã từ không đến có và sẽ có những gì không thua các xã bạn có tên hàng trăm năm trước. Viết về đổi thay ở Láng Biển phải tốn hàng mấy ngàn trang giấy, ở đây chỉ xin lớt phớt mấy dòng...

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn