Ước mơ vượt qua cảnh nghèo

Cập nhật ngày: 22/01/2018 09:57:55

ĐTO - Nhiều người đến với nghề bán vé số trong một hoàn cảnh khó khăn, gia đình biến cố, bản thân rơi vào cảnh bệnh tật. Thế nhưng, cái nghề lương thiện, vất vả này lại gắn bó với họ không chỉ 1 năm, 2 năm mà có khi đến 30 năm, 40 năm.

Mỗi ngày, với xấp vé số trên tay, người bán vé số có mặt trên các nẻo đường, những đồng tiền lời từ bán vé số đã giúp những người nghèo có thu nhập, nuôi hy vọng lo cho con ăn học nên người, vượt qua cái nghèo, cái khổ.


Em Nguyễn Bảo Nam đi bán vé số ngoài giờ học (
Ảnh: C.P)

Dù chỉ mới 9 tuổi nhưng em Nguyễn Bảo Nam ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười đã có 3 năm đi bán vé số. Nam cho biết: “Cha đi làm hồ, mẹ đi bán vé số; em đi học buổi sáng ở trường, thời gian rảnh lấy vé số về bán cùng với mẹ. Mỗi ngày, em và mẹ bán được 300 tờ vé số, tất cả tiền em đều đưa cho mẹ...”. Để bán hết 100 tờ vé số, Nam chạy xe đạp đi khắp các quán ăn, cà phê tại xã Mỹ An, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười để chào mời. Thấy em còn nhỏ, nhiều người thương tình ủng hộ, nhờ vậy việc buôn bán của em thuận lợi. Tuổi thơ gắn liền với việc mưu sinh, rong ruổi trên đường nên em khá già dặn so với tuổi. Nam kể: “Nhiều khi thèm được ăn dĩa cơm, uống chai nước ngọt Sting như mấy bạn khác mà không dám. Trời càng chiều thì càng đi nhanh để bán cho hết vé số trước khi xổ số...”.

Em Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (12 tuổi) cùng ngụ tại xã Mỹ An, huyện Tháp Mười, bán vé số 5 năm, mẹ làm nghề cắt dưa hấu mướn, ba đi làm mướn trong xóm, thu nhập không ổn định. Mỗi ngày, Quỳnh tan trường lúc 11 giờ 30, về ăn cơm, sau đó lãnh vé số bán đến 9 giờ tối; khi vé số được bán hết, em đạp xe về nhà, học bài để sáng sớm lại đến trường. Quỳnh tâm sự: “Em bán vé số phụ mẹ cũng lâu rồi, luôn cố gắng bán vé số mỗi ngày, ngày Tết em cũng không nghỉ. Ở trường, em học không phải đóng tiền trường; tập, sách đều được nhà trường tặng, chỉ đóng tiền mua bảo hiểm. Dù thế nào thì cũng phải ráng đi học để sau này có nghề nghiệp ổn định lo cho cha mẹ...”.

Với những người không may bị thương tật thì nghề bán vé số giúp họ có cuộc sống tạm ổn định trong lúc khó khăn, ông Nguyễn Văn Tuấn, quê tại huyện Hồng Ngự, hiện ở trọ tại phường 11, TP.Cao Lãnh làm nghề bán vé số. Ông Tuấn chọn nghề bán vé số sau một tai nạn lao động, bị thương ở chân. Mỗi ngày, ông lãnh vé số đi bán từ phường 11 đến phường 1, phường 2, phường Mỹ Phú và ra tận phường 6, TP.Cao Lãnh. Ông kể: “Mới đó cũng hơn 20 năm chọn nghề bán vé số rồi. Ngày nào cũng đi bán, chỉ khi bệnh nặng quá thì nghỉ ở nhà chứ không đi bán cũng rất buồn. Nghề này trừ khi trúng số mới đổi đời được, chứ bán vé số thì sống cũng ổn định, trừ tiền nhà trọ, tiền ăn uống mỗi ngày thì cũng còn dành dụm chút đỉnh phòng khi bệnh tật...”.

Năm 2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết (TNHH MTV XSKT) Đồng Tháp đã dành 7,2 tỷ đồng chăm lo cho các hoạt động an sinh xã hội, quan tâm đến đời sống của những người nghèo, người bán vé số qua các hoạt động tài trợ học bổng, cất nhà, ủng hộ Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc, chương trình Thắp sáng ước mơ, Gương sáng hiếu học, tặng tập, xe đạp, xe lăn; hoạt động cụ thể của công ty đã góp phần vơi bớt khó khăn, giúp những người bán vé số, người nghèo có phương tiện mưu sinh, có nơi ở ổn định, có điều kiện tích lũy cho con cái học hành nuôi hy vọng cuộc sống sau này sẽ tốt đẹp hơn.

Như trường hợp em Huỳnh Cao Sơn – học Trường THCS Lưu Văn Lang, TP.Sa Đéc bị cha bỏ rơi, mẹ em đi bán vé số mỗi ngày để nuôi em đi học. Ngoài giờ học ở trường, Sơn nhận vé số về bán phụ giúp mẹ, lo cho cuộc sống gia đình. Gặp nhiều biến cố, nhưng bản thân em luôn cố gắng vươn lên trong học tập, học lực xếp loại khá, được nhận học bổng của công ty tài trợ 2 năm liền.

Mỗi ngày, hơn 100 người bán vé số dạo tại các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, TP.Sa Đéc dùng những suất cơm miễn phí do Công ty TNHH MTV XSKT Đồng Tháp tài trợ đã giảm bớt chi tiêu, tích lũy tiền lo cho con đi học đại học, cao đẳng; sửa lại mái nhà dột, cuộc sống bớt nhọc nhằn. Cùng với công ty, các đại lý vé số tại TP.Cao Lãnh không chỉ tạo việc làm mà còn giúp đỡ người nghèo, người bán vé số lúc khốn khó, bệnh tật, không tiền.

Bà Võ Thị Thanh Thúy – Đại lý vé số Công Thi, TP.Cao Lãnh cho biết: “Hơn 30 năm làm nghề đại lý vé số, lúc đầu bán nhỏ lẻ, sau thì mở rộng kinh doanh, nghề này gắn với những người nghèo, những trường hợp quá khổ thì đại lý giúp đỡ, chia sẻ giúp họ vượt qua khó khăn, ngoài ra đại lý còn đóng góp Quỹ người nghèo giúp đỡ các sinh viên, học sinh khó khăn để các em yên tâm học tập...”.

C.PHƯƠNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn