Vai trò trụ cột của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế
Cập nhật ngày: 30/09/2013 04:26:30
Ngày 22/11/2012, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm sâu sắc và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT; xác định rõ tầm quan trọng, vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH);...
Chính sách BHXH và BHYT tác động đến đời sống kinh tế và chăm sóc sức khỏe của hầu hết các thành viên trong xã hội. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945), Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, có nêu về chính sách BHXH, BHYT: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh quy định về chế độ BHXH, điều kiện nghỉ hưu, quỹ hưu trí, mức hưởng thụ và các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH. Xuất phát từ tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành các chỉ thị, văn bản về tăng cường lãnh đạo thực hiện chế độ BHXH, đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới.
Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị là sự tiếp nối cụ thể hóa định hướng quan trọng trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT để cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống ASXH; quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia BHXH, BHYT.
Cấu trúc của hệ thống ASXH ở nước ta gồm 3 trụ cột: BHXH (bao gồm cả BHYT, bảo hiểm thất nghiệp); ưu đãi xã hội; bảo trợ xã hội (gồm trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội). Xét về thực chất, 3 trụ cột này nhằm thể hiện 3 chức năng: phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến ASXH là quá trình toàn cầu hóa, vấn đề thất nghiệp và nghèo đói, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, chiến tranh, khủng bố, bất bình đẳng xã hội,...
Tính trụ cột của BHXH, BHYT trong hệ thống ASXH thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; tạo được sự đoàn kết, tương thân, tương ái mang tính cộng đồng, chỉa sẻ rủi ro, giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn do đau ốm hoặc tuổi già, tai nạn, thất nghiệp... Các chế độ BHXH, BHYT có diện bao phủ rộng khắp, tạo thành tấm lưới che chắn vững chắc bảo vệ cuộc sống, sức khỏe cho mọi người, từ lúc chưa sinh ra (chế độ thai sản); tuổi ấu thơ, niên thiếu, trưởng thành (BHYT trẻ dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên); cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (BHYT và các chế độ ngắn hạn của BHXH như ốm đau, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); tuổi già (chế độ bảo hiểm hưu trí); mất đi (tử tuất); bảo vệ chăm sóc sức khỏe các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương (BHYT người nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi...). Thực hiện được mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân thì hệ thống ASXH quốc gia ngày càng vững mạnh, giảm bớt gánh nặng chi từ nguồn ngân sách nhà nước, giúp Nhà nước tập trung nguồn lực thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị cho biết, đến cuối năm 2012, diện bao phủ BHXH còn thấp, chỉ đạt 23,26% lực lượng lao động; 18,61% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 55,10% dân số tham gia BHYT, bình quân cả nước là 65%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 30% lực lượng lao động tham gia BHXH, 20% tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 70% dân số tham gia BHYT;... Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, một trong những giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của BHXH và BHYT.
TN