Vất vả nghề tẩm quất, giác hơi
Cập nhật ngày: 13/10/2014 13:06:59
Khi ánh đèn đường bật sáng cũng là lúc những người làm nghề tẩm quất, giác hơi tại TP.Cao Lãnh bắt đầu vào việc. Tối nào ở bến xe Cao Lãnh cũng thấp thoáng bóng dáng của những người làm nghề này. Trò chuyện với với tôi, họ cho biết nghề này cũng lắm nhọc nhằn, nhiều phiền muộn, đôi lần muốn bỏ nghề nhưng lại thôi...
Chú Nguyễn Văn Đạt với công việc thường ngày
Gấp vội manh nilon khi trời chuyển mưa, chú Nguyễn Văn Đạt ngụ phường 2, TP.Cao Lãnh ngồi co ro bên vỉa hè -đường vào bến xe Cao Lãnh. 55 tuổi, hơn 20 năm làm nghề tẩm quất, giác hơi, bàn tay chú Đạt thuần thục, thoăn thoắt trên lưng trần của khách. Sống gần hết đời người, nhưng giờ vợ chồng chú vẫn ở nhà thuê ở phường 1. Cứ vào khoảng 6 giờ chiều, vợ chồng chú lại xách đồ nghề ra vỉa hè để làm nghề. Chú cho biết chú có nghề nhờ những người từng ở tù chỉ dẫn và tự học để nâng cao. Chú kể: “Làm nghề tẩm quất, giác hơi quan trọng là phải tập sao cho đôi bàn tay dẻo, nhịp nhàng, bấm, day phải trúng huyệt, bấm bậy bạ đôi khi lại thiệt thân khách, gây nên tội. Những ngày đầu làm nghề, tay tôi mỏi nhừ, đau ê ẩm, giờ thì quen rồi, ngày nào không đi làm không chịu được...”. Gia tài của chú là chiếc xe đạp, mảnh nilon sọc để trải làm nơi khách nằm, một chiếc gối, một chiếc thùng nhôm đựng ống giác bằng thủy tinh, dầu gió và một chiếc radio nhỏ để nghe ca cổ. Chú Đạt làm việc từ 6 tối đến 2 giờ khuya. Khách hàng của chú cả trăm người, có người ở phường 6, phường Mỹ Phú,... khi có nhu cầu điện thoại là chú đến tận nơi để phục vụ. Giá mỗi lần tẩm quất, giác hơi là 40.000 đồng trong 25 - 30 phút. Nhiều người thấy chú làm tốt cho tiền boa. Mỗi đêm làm chú kiếm được trên dưới 200.000 đồng, nhưng có khi cũng không có đồng nào. Nguồn thu nhập không ổn định này là nguyên nhân dẫn đến cuộc sống của vợ chồng chú luôn bấp bênh và không dư dả.
Làm cùng chỗ với chú Đạt còn có anh Tùng, anh Cường. Anh Cường ngụ khóm 2, phường 2, TP.Cao Lãnh cho biết: “Trước đây tôi đi vác lúa mướn, giờ lớn tuổi nên chuyển sang nghề tẩm quất, giác hơi. Mấy lần dự định bỏ nghề vì cực nhọc đêm khuya nhưng vì cơm, áo,...cũng không bỏ được. Riết rồi quen, cứ chiều tối tôi lại mang đồ nghề ra ngồi vỉa hè chờ khách đến, hoặc khách gọi điện thoại là chạy đến ngay”.
Không chỉ ngồi cố định, một số người chọn cách tẩm quất, giác hơi dạo trên đường với một xâu nút ve dùng để lắc len ken thay cho tiếng rao, một chiếc xe đạp cũ, thùng đồ nghề để phía trước rổ xe rong ruổi qua từng con đường, góc phố trong đêm.
Làm tẩm quất, giác hơi ban đêm phải đối mặt với bao điều phức tạp như bị quỵt tiền hay bị nhóm côn đồ quậy phá. Chú Đạt kể: “Có người đã nhậu ghé vào kêu tẩm quất, tôi làm xong, họ đứng dậy nói cho thiếu tiền, hay có khi quăng lại 10.000 đồng. Mình cũng đòi tiền, nhưng họ làm dữ, thôi đành chịu thiệt”.
Nghề nghiệp vốn đeo mang nên những người làm nghề tẩm quất đa số đều không ai muốn bỏ nghề dù thức khuya vất vả, đối mặt với nhiều điều phức tạp nơi vỉa hè để giúp người khác vơi tan mỏi mệt. Anh Nguyễn Văn Phong ngụ đường Ngô Thời Nhậm, phường 2, TP.Cao Lãnh - một khách hàng quen thuộc của những người tẩm quất, giác hơi ở bến xe Cao Lãnh cho biết: “Tôi biết mấy anh em làm nghề tẩm quất, giác hơi đa số đều nghèo, không thấy ai giàu, dù anh em rất siêng năng. Đáng trân trọng là họ rất yêu nghề, kiếm tiền chân chính từ đôi bàn tay khéo léo của mình”.
C.Phương