Vì sức khỏe - cùng phòng ngừa tác hại của thuốc lá
Cập nhật ngày: 29/05/2015 13:21:26
Tại một quầy bán thuốc lá nằm trên đường Tháp Mười (gần chợ Cao Lãnh), chưa đầy 30 phút, đã thấy có nhiều người đến mua thuốc lá, có người vào quán nước giải khát hút, có người mua mang về. Nhiều người vô tư phì phèo điếu thuốc nơi đông người.
Sinh viên tham gia mít-tinh kêu gọi mọi người không hút thuốc lá
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư. Theo Hội Y tế công cộng Đồng Tháp, khi hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và là nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy, người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và mắc bệnh ở các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy,...
Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em. Hút thuốc gây bệnh cũng đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như ở nước ta. Người hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 - 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.
Mới đây, chúng tôi có dịp đến Bệnh viện Phổi Đồng Tháp, trao đổi trực tiếp ngẫu nhiên với 4 bệnh nhân trông rất yếu và mệt mỏi đang nằm điều trị dài ngày với các bệnh liên quan đến phổi. Cả 4 người này đều cho rằng, bản thân trước đây có hút thuốc nhiều năm liền, có ngày hút cả gói thuốc.
Vẫn còn tình trạng hút thuốc lá tại khu vực
quán giải khát - đây là khu vực cấm hút thuốc theo
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Sử dụng thuốc lá ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, thường xuyên đau bệnh, do đó từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh là hết sức cần thiết. Về lợi ích đối với sức khỏe khi bỏ thuốc lá, theo Hội Y tế công cộng Đồng Tháp, khi bỏ thuốc lá, cơ thể sẽ không còn tích lũy chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, sau khi bỏ thuốc được 1 năm sẽ giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Tại lễ mít-tinh và diễu hành “Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá” (từ ngày 25-31/5/2015) tại Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế kêu gọi mọi người cùng quan tâm tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra. Đồng thời thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá; bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới (47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc). Hàng năm tại Việt Nam có 40 ngàn ca tử vong do thuốc lá. Theo Hội Y tế công cộng Việt Nam, tại Đồng Tháp tỷ lệ nam giới từ 18 tuổi trở lên hút thuốc lá hàng ngày là 63,6%; tỷ lệ người không hút thuốc lá phơi nhiễm thụ động với khói thuốc tại nhà là 54,8% và tại nơi làm việc là 31%.
|
Hữu Nghĩa