Việc thiện của một “kỹ sư” nông dân

Cập nhật ngày: 31/12/2016 11:17:20

ĐTO - Đứng ra thiết kế xây dựng trên chục chiếc cầu bê tông, rồi len lỏi trong từng con đường làng, tìm đến những mảnh đời bất hạnh, chú Trần Văn Trường, 61 tuổi (ngụ ấp 3, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh) được nhân dân tin yêu như là người thân ruột thịt.


Chú Hai Trường thảo thiết kế bảng vẽ xây cầu

Hết lòng với chiếc cầu

Từ một lão nông quanh năm bên mấy công xoài, qua tìm tòi, học hỏi, dần dần chú Hai Trường trở thành người thợ xây cầu đường từ thiện. Điều vui nhất là chiếc cầu, con đường nào do chú thiết kế xây dựng khi đưa vào sử dụng cũng được người dân ưng bụng, tấm tắc khen.

Cách đây đúng 15 năm, chiếc cầu ván phía trước nhà chú bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Hằng ngày đi lại trên chiếc cầu nguy hiểm ấy, chú nảy ra ý tưởng và bàn với vợ xin phép chính quyền địa phương lấy tiền dành dụm của gia đình mua vật tư xây cầu bê tông thay cho chiếc cầu ván. Khi biết chú là người thiết kế cầu và cũng là thợ chính đứng ra xây cầu thì mọi người không khỏi lo ngại vì từ trước đến nay chú chưa từng xây nhà, cầu, đường gì cả. Tuy nhiên, trước quyết tâm của chú, vả lại lần đầu tiên trong ấp có người góp của, góp công xây cầu bê tông nên địa phương cũng vui mừng đồng ý. Lần đầu tiên bắt tay vào thiết kế cầu, chú Hai Trường phải thức mấy đêm để tính xem mua bao nhiêu xi măng, sắt, đá, tính độ lún của cầu, rồi đọc từng chữ trên bao xi măng học cách trộn hồ, tự đổ bê tông. Sau một thời gian ngắn xây dựng, chiếc cầu có chiều ngang 1,5m, dài 17m được đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn xiết của chú và những người trong xóm.

Ngoài mừng vì xây xong chiếc cầu đầu tiên thành công, chú Hai Trường thấy mình đã có kinh nghiệm xây cầu bê tông và cần phải làm gì đó để góp phần giảm bớt khó khăn trong đi lại của nhân dân cũng như học sinh. Sau một thời gian nung nấu niềm mong muốn, chú quyết định xin ý kiến chính quyền địa phương thành lập Tổ Vận động xây dựng cầu, đường nông thôn và tham gia công tác từ thiện trong cộng đồng dân cư trên địa bàn xã (nay là Ban Bảo trợ nhân đạo xã hội xã Bình Hàng Tây do chú làm Trưởng Ban).

Để thuyết phục được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ tiền, vật liệu xây cầu, đường, xây nhà không phải là chuyện dễ dàng, nếu như không thuyết minh được khái quát công trình cũng như hiệu quả công trình mang lại. Chẳng những tự tay mình mài mò lên bản vẽ từng công trình xây dựng, chú Hai Trường còn là người trực tiếp chỉ huy công trình, “xắn tay” cùng với lực lượng công nhân để xây dựng cho kịp tiến độ. Điều đặc biệt là các công trình phúc lợi xã hội được chú Hai “ra tay” xây dựng sau khi hoàn thành đều trông rất bắt mắt và tiết kiệm một khoản kinh phí không hề nhỏ mà vẫn đảm bảo tuyệt đối về mặt chất lượng. Công trình do chú thiết kế, giám sát để lại nhiều dấu ấn là cầu Mương Lộ, tọa lạc trên địa bàn ấp 2. Do cầu có chiều rộng đến 4,2m, dài 19m, lại nằm gần đường Quốc lộ 30 nên chính quyền địa phương kêu gọi nhà thầu xem và ra giá xây cầu 350 triệu đồng. Thấy kinh phí quá lớn, địa phương thống nhất giao chú Hai Trường tìm phương án xây cầu sao cho bền, đẹp mà tiết kiệm được kinh phí. Sau 80 ngày xây dựng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (nhân dân đóng góp vật tư và ngày công), công trình đã giảm được trên 100 triệu đồng so với giá của nhà thầu. Ngày khánh thành cầu Mương Lộ, người dân ai ai cũng phấn khởi. Cô Nguyễn Thị Yên có nhà gần cầu Mương Lộ chia sẻ: “Có được chiếc cầu mới này là niềm mơ ước từ lâu của người dân chúng tôi. Khi nghe anh Hai Trường vận động nhân dân cùng chung tay góp sức xây cầu, mọi người đều không ngại khó nhọc. Chúng tôi quý anh Hai Trường lắm! Anh ấy vừa chỉ huy xây cầu, vừa ngụp lặn dưới sông xây cầu cùng anh em. Mưa nắng gì anh cũng làm hết”.


Cầu Út Liễu 2 do chú Hai Trường thiết kế xây dựng được khánh thành trong niềm vui của nhân dân

Một số công trình cầu, đường khi được chú Hai Trường thiết kế, chuẩn bị xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng đều được cán bộ Sở Xây dựng và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đến kiểm tra, đồng ý. Không dừng lại ở những chiếc cầu bê tông kiên cố, chú Hai Trường còn vận động nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp xây dựng, vừa giám sát và cùng nhân dân thi công những tuyến đường đan như đường Cù Lao - Cao Đài, đường Trường Mẫu giáo Bình Hàng Tây - Cù lao,... đã góp phần làm đẹp bộ mặt nông thôn, người dân thuận tiện đi lại.

Chia sẻ với cộng đồng

Đến xã Bình Hàng Tây, hỏi “chú Hai Trường từ thiện” thì ai cũng biết. Bởi ngoài việc làm không công trong công tác xây dựng cầu đường, nhà ở, những gia đình khá giả hay gia cảnh nghèo khó thì chú đều tìm đến. Đối với những hộ khá, giàu, chú đến nhà vận động tiền, của giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, ốm đau bệnh tật. Có rất nhiều trường hợp bệnh nặng, cần tiền gấp chuyển người bệnh lên TP.Hồ Chí Minh phẫu thuật nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng được chú vận động trợ giúp. Chẳng hạn, trường hợp chị Châu Thị Lan ngụ ấp Bình Phú Long, xã Bình Hàng Tây bị khối u não, nằm liệt nhiều tháng liền, cần phẫu thuật gấp với chi phí 25 triệu đồng. Xét thấy gia đình chị Lan hoàn cảnh khó khăn, chú Hai Trường đã đứng ra vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Giờ khỏe mạnh trở lại, chị Lan bộc bạch: “Không nhờ sự giúp đỡ của chú Hai chắc tôi chết rồi. Tôi xem chú Hai như ba mình vậy”.

Hoạt động của Ban Bảo trợ nhân đạo xã hội của xã Bình Hàng Tây (gồm 21 thành viên) đã tạo được niềm tin, uy tín trong nhân dân, trong đó chú Hai Trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Ông Huỳnh Quốc Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hàng Tây cho biết, chú Hai Trường là người hết sức đặc biệt trong công tác làm từ thiện, nói là làm, không ngại khó, ngại khổ. Việc vận động nguồn quỹ, quản lý thu chi được chú công khai, minh bạch trong nội bộ và ngoài nhân dân, nên tạo lòng tin cho những người đã đóng góp, ủng hộ. Chú Hai Trường có công sức rất lớn trong công tác an sinh xã hội ở địa phương, góp phần quan trọng để bộ mặt nông thôn có nhiều nét mới.

Tham gia xây dựng cầu, đường, nhà ở, đã không ít lần chú Hai Trường gặp nạn: bị vật rơi trúng bung gân cánh tay phải nhập viện điều trị, bị sắt đâm tay, sắt móc rách quần áo, té xuống đống đá,... Cũng có lúc chú cảm thấy mình gần như đuối sức khi vừa lo sắp xếp chạy thận mãn tính cho con gái (3 ngày/tuần), vừa làm từ thiện, nhưng giờ thì chú cho biết sức khỏe mình đã ổn nên tiếp tục làm từ thiện hăng hái hơn. Chú Hai Trường cho biết, cái duyên chú gắn bó với hoạt động từ thiện là vì cách đây 20 năm, gia cảnh chú khó khăn, một lần nghe trên đài phát thanh có bài viết về phong trào “Hủ gạo tình thương” do Bác Hồ phát động khiến chú hết sức xúc động. Từ đó chú nguyện sau này cuộc sống mình hết khó khăn sẽ quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động từ thiện. “Tham gia làm từ thiện, tôi thấy tư tưởng mình thoải mái. Tôi muốn gánh vác, chia sẻ với cộng đồng, mình vì mọi người để xã hội tốt đẹp hơn” - chú Hai Trường bộc bạch khi nói về việc làm thiện nguyện.

Tính đến nay, chú Hai Trường đã vận động xây dựng được 12 cầu bê tông, 36 căn nhà tình thương, làm 6 tuyến đường nông thôn, cứu trợ nhân đạo trên 1,8 tỷ đồng,... Tổng cộng tiền, quà do chú trực tiếp vận động được trên 5,8 tỷ đồng.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn