Xã An Long thực hiện hiệu quả nhiều mô hình giảm nghèo bền vững

Cập nhật ngày: 29/06/2024 05:21:54

ĐTO - Những năm gần đây, người dân xã An Long, huyện Tam Nông mạnh dạn đầu tư nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp kinh tế địa phương phát triển, thời gian qua, xã An Long đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, vận động người dân áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả.

Nhắc tới hành trình vượt khó, quyết tâm phát triển kinh tế để “trả lại sổ nghèo” của vợ chồng ông Dương Tiến Bộ (SN 1972) và bà Thượng Thị Ngởi (SN 1972) ngụ ấp An Bình, xã An Long khiến nhiều người dân địa phương khá ấn tượng. Nhìn cơ ngơi khang trang hiện nay của gia đình hiện tại, ít ai nghĩ rằng, hơn 10 năm trước, gia đình ông Bộ thuộc diện khó khăn.

Ông Dương Tiến Bộ tâm sự: “Trước khi đến với nghề nuôi lươn thương phẩm, gia đình tôi từng chăn nuôi heo, cá lóc, ếch... Tuy nhiên, việc chăn nuôi chưa mang lại kết quả mong đợi, gia đình lâm vào cảnh nợ nần. Đến năm 2012, sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn từ hàng xóm, tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm. May mắn sau vụ đầu, tôi thả nuôi thành công, sau khi khấu trừ chi phí lãi được khoảng 120 triệu đồng. Nhận thấy mô hình nuôi lươn có triển vọng, tôi gom hết vốn liếng và được sự hỗ trợ vốn vay từ chính quyền địa phương, vụ thứ 2, tôi tăng quy mô đầu tư hơn và tiếp tục thành công. Nhờ sự giúp sức kịp thời từ chính quyền địa phương, sự quyết tâm thoát nghèo của vợ chồng tôi nên năm 2013, gia đình đã chính thức trả sổ hộ nghèo lại cho địa phương. Nhờ nuôi lươn mà gia đình tôi thoát cảnh nghèo khó, có điều kiện lo cho các con học hành đến nơi đến chốn...”.


Chị Nguyễn Thị Thu (thứ 2 từ phải sang) hỗ trợ đào tạo nghề đan đát cho chị em phụ nữ ở địa phương

Không chỉ nỗ lực vươn lên thoát nghèo cho bản thân, một số hộ sau khi thoát nghèo còn đồng hành cùng chính quyền địa phương lan tỏa các mô hình giảm nghèo hiệu quả trong cộng đồng. Điển hình là trường hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nở (SN 1977) và chị Nguyễn Thị Thu (SN 1980) ngụ ấp An Phú, xã An Long.

Chị Nguyễn Thị Thu tâm sự: “Nhờ sự quan tâm kịp thời từ chính quyền địa phương, gia đình tôi được hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn... Nhờ vậy, gia đình tôi từng bước phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, sau khi trả sổ hộ nghèo, gia đình tôi tiếp tục được địa phương hỗ trợ cho vay vốn đầu tư nuôi lươn, thuê đất để trồng lúa và làm thêm nghề đan đát sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Qua đó giúp kinh tế gia đình từng bước được cải thiện, khá giả hơn trước”. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, chị Thu còn hỗ trợ, dạy nghề đan đát cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương. Hiện tại, chị Thu là Tổ trưởng Tổ đan đát thủ công mỹ nghệ ấp An Phú. Tổ có trên 25 thành viên, thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Ngô Thị Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND xã An Long cho biết, để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, xã An Long đã thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: Tổ tiết kiệm mùa Xuân, Tổ đan đát nghề nông thôn... Các mô hình giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo. Từ đó, góp phần giúp địa phương duy trì tốt các tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo. Xã An Long sẽ tiếp tục thực hiện và quản lý tốt các nguồn vốn vay, chọn đúng đối tượng hỗ trợ, duy trì các mô hình hiệu quả của địa phương trong thời gian qua...

Năm 2023, qua rà soát, đánh giá, toàn xã An Long có 45 hộ nghèo (chiếm 1,19%), tỷ lệ giảm là 1,01%; hộ cận nghèo giảm còn 118 hộ (chiếm 3,12%), tỷ lệ giảm là 0,09%. Kết quả này nhờ sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền và người dân ở xã An Long trong công tác giảm nghèo. Trong đó, việc khuyến khích, nhân rộng những mô hình kinh tế mới là nhân tố thúc đẩy nhiều gia đình chủ động bứt phá vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn